Nợ xấu vẫn âm ỉ tăng
Dưới áp lực phục hồi sau đại dịch và biến động kinh tế vĩ mô, nợ xấu ngân hàng đang trở lại như một "cơn sóng ngầm" âm ỉ.
Mặc dù tỉ lệ nợ xấu tại nhiều nhà băng vẫn được kiểm soát dưới mức quy định, nhưng cơ cấu nợ lại phản ánh tín hiệu đáng lo khi các nhóm nợ rủi ro, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn gia tăng rõ rệt trong quý I/2025.
Nhiều ngân hàng đang dần hé lộ những áp lực về chất lượng tài sản khi bước sang năm 2025. Chẳng hạn, Saigonbank là một trong những nhà băng ghi nhận mức gia tăng đáng kể về nợ xấu trong quý I. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu của ngân hàng này đạt gần 685 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm.
Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay theo đó vọt lên 3,28%, so với mức 2,66% hồi cuối 2024. Trong đó, riêng nợ dưới tiêu chuẩn đã nhảy vọt 62%, từ hơn 84 tỷ đồng lên gần 137 tỷ đồng.
Tại VietABank, dù tỉ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,63% cuối quý I/2025 so với 1,37%hồi đầu năm, nhưng nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lại gia tăng đột biến. Trong 3 tháng đầu năm, nợ nhóm này tăng hơn 4,3 lần, từ gần 333,7 tỷ đồng lên gần 1.452 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ.
Về phía MB, áp lực nợ xấu cũng không hề nhỏ khi tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,62% cuối năm 2024 lên 1,84% tính đến cuối tháng 3/2025. Cơ cấu nợ xấu của MB cho thấy cả ba nhóm nợ đều tăng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 4.599 tỷ đồng lên 4.942 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng mạnh 34,7% lên 4.552 tỷ đồng, và nợ có khả năng mất vốn tăng 12,6%, đạt 5.187 tỷ đồng.
Ngân hàng chủ động ứng phó
Trước áp lực nợ xấu tăng cao, nhiều ngân hàng đã có những biện pháp phòng ngừa rủi ro. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết Năm 2023 - 2024, do ảnh hưởng của nền kinh tế, nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng từ 1,9% lên 2,8% và đồng thời dự phòng rủi ro tăng nhưng tỉ lệ bao phủ có xu hướng giảm rõ rệt và MB cũng không ngoại lệ nhưng tốc độ kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên, MB đã ghi nhận rủi ro sớm, tăng chi phí dự phòng để bảo vệ cho ngân hàng. Năm nay MB có kế hoạch tăng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100%.
Thuộc top đầu trong nhóm ngân hàng tư nhân nhưng năm 2025, VPBank vẫn hết sức thận trọng đối với nợ xấu. "Nợ xấu có xu hướng tiếp tục khó khăn trong quý I, quý II và sẽ giảm dần cuối năm, chúng tôi dự kiến ngân sách dự phòng 17.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo hiệu quả ngân hàng.
Năm nay, chúng tôi dự kiến duy trì nợ xấu dưới 3% và dự kiến thu hơn 3.600 tỷ đồng thu từ nợ ngoại bảng", Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh thông tin.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định nợ xấu có xu hướng tiếp tục khó khăn trong quý I, quý II/2025.
Về phía Eximbank, ông Nguyễn Hoàng Hải - Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng Chúng tôi đã đặt ra kế hoạch đưa tỉ lệ nợ xấu từ mức 2,53% hiện nay xuống 1,99% trong năm 2025. Đây là mục tiêu rất thách thức, không phải cầu toàn. Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu tồn đọng 10-15 năm qua.
Một điểm thuận lợi là chất lượng tài sản thế chấp của Eximbank rất tốt, tỉ lệ cho vay có tài sản đảm bảo lên tới 96% tổng dư nợ. Chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ hoạt động xử lý nợ về AMC, đồng thời tăng cường kiểm soát, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch HĐQT ABBank thì chia sẻ ngân hàng đã triển khai chủ trương thu hồi các khoản nợ xấu về hội sở (HO) để xử lý tập trung, triệt để hơn và bước đầu đã có kết quả ngay.
Cách làm này giúp các đơn vị rảnh tay để kinh doanh, không cần chạy theo nợ xấu, mất nguồn lực, nhuệ khí kinh doanh, đồng thời tận dụng đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao tại HO để xử lý nợ hiệu quả hơn.
Rủi ro nợ xấu gia tăng khi Thông tư 02 hết hiệu lực
Ông Phạm Duy Hưng - Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating cho rằng lệ nợ xấu được kỳ vọng sẽ giảm nhờ vào việc kiểm soát tốt hơn danh mục cho vay và khả năng xử lý nợ hiệu quả hơn từ các ngân hàng lớn.
Nhiều chính sách của Chính phủ được triển khai để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vướng mắc về pháp lý sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong trong các ngành chính mà ngân hàng cho vay như sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản.
Tỉ lệ hình thành nợ có vấn đề sẽ giảm dần khi khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện. Dữ liệu cho thấy, tỉ lệ hình thành nợ có vấn đề sẽ giảm xuống mức 2,2% vào năm 2025 nhờ vào khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện khi thu nhập kinh doanh và thị trường lao động ổn định hơn.
Nói về những yếu tố có thể tác động tới nợ xấu trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Minh Phương - Phó trưởng Bộ môn Kế toán Ngân hàng, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng suy thoái kinh tế thế giới hay những căng thẳng thương mại từ thuế quan Mỹ có thể ảnh hưởng tới các ngành kinh tế trong nước và tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng.
Ngoài ra, khi Thông tư 02 chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 và không được gia hạn thêm trong năm 2025 cũng sẽ có thể khiến các nhóm nợ được cơ cấu chuyển thành nợ xấu nếu phát sinh rủi ro.
Đối với nhóm ngân hàng lớn sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ bộ đệm dự phòng vững chắc và sức khỏe tài chính tốt nhưng với nhóm ngân hàng có tỉ lệ nợ nhóm 2 cao và tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Để ứng phó, kiểm soát nợ xấu có thể có xu hướng gia tăng, ngân hàng cần rà soát điều chỉnh mô hình tổ chức tín dụng hiệu quả hơn, có thể theo hướng thúc đẩy phê duyệt và giải ngân tập trung tiến tới quản lý tập trung hóa.
Ngoài ra, một nền tảng vốn tự có vững chắc cũng đóng vai trò như một "tấm đệm" giúp ngân hàng hấp thụ những tổn thất mà không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hoặc vi phạm các tỉ lệ an toàn tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Cuối cùng, ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng phù hợp, cơ cấu lại danh mục tín dụng và tài sản có rủi ro, ưu tiên cấp tín dụng cho các khách hàng có hệ số rủi ro thấp, tài sản đảm bảo có thanh khoản tốt và tỉ lệ vốn chủ sở hữu cao. Chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ trên cơ sở phân loại nợ theo quy định nhằm tạo bộ đệm tài chính vững chắc.