Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại kỳ hạn 6 tháng. Theo đó, tại biểu lãi suất huy động trực tuyến của ABBank, ngân hàng đã tăng 0,1 điểm % đối với lãi suất tiền gửi 6 tháng lên 4,7%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất do ngân hàng này công bố.
Ngân hàng giữ nguyên lãi suất huy động tại các kỳ hạn còn lại. Cụ thể, lãi suất là 2,9%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng, 3%/năm tại kỳ hạn 3-5 tháng và kỳ hạn 7-60 tháng là 4,1%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 21/5. Theo đó, ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1-0,2 điểm % đối với lãi suất tài các kỳ hạn từ 1-15 tháng với tiền gửi của khách hàng cá nhân thông thường và nhận lãi cuối kỳ.
Cụ thể, lãi suất tăng thêm 0,2 điểm % đối với kỳ hạn 1 tháng từ 2,1%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 2,3%/năm lên 2,5%/năm.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất lên mức 2,7%/năm đối với kỳ hạn 3-4 tháng. Lãi suất tăng thêm 0,1 điểm % từ 2,7%/năm lên 2,8%/năm đối với kỳ hạn 5 tháng, từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm tại kỳ hạn 6-8 tháng.
Lãi suất là 3,7%/năm đối với kỳ hạn 9-10 tháng. Kỳ hạn 11 tháng tăng từ 3,7%/năm lên 3,8%/năm và lãi suất tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm cho kỳ hạn 12-15 tháng.
Đối với tiền gửi của khách hàng tổ chức, MB đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1-60 tháng thêm 0,1-0,2%/năm. Theo đó, lãi suất huy động được MB áp dụng cho khách hàng tổ chức nằm trong khoảng từ 0,5-5,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 36-60 tháng là 5,5%/năm.
Như vậy, kể từ đầu tháng 5/2024 đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 17 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động gồm: ACB, CB, Bac A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, MB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, VietABank,
Lãi suất huy động tại các ngân hàng đã có chiều hướng tăng trở lại bắt đầu từ tháng 3 năm nay, khi 4 ngân hàng là VPBank, Eximbank, SHB và Saigonbank điều chỉnh tăng lãi suất.
Cho đến tháng 4, xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng bắt đầu diễn ra mạnh hơn khi tại thời điểm cuối tháng, đã có tổng cộng 16 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, đã có hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm.
Việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Tại báo cáo tài chính quý I/2024, đa phần các ngân hàng đều cho thấy mức tăng trưởng tiền gửi còn yếu thậm chí sụt giảm.
Thậm chí, một số ngân hàng lớn cũng cho thấy tình hình tiền gửi khách hàng đi lùi trong 3 tháng đầu năm 2024 như Vietcombank với tiền gửi khách hàng giảm 3% so với năm ngoái xuống gần 1,35 triệu tỷ đồng, MB với số dư tiền gửi khách hàng đạt 558.826 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%, so với quý I/2023 hay TPBank với tiền gửi của khách hàng giảm 8,4% xuống còn 190.827 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tăng lãi suất vừa qua diễn ra chủ yếu ở các ngân hàng quy mô nhỏ, trong khi các ngân hàng lớn "big 4" vẫn đang giữ lãi suất tương đối ổn định.
BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tuy vậy, với tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp, đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VND, phần nào giải tỏa áp lực tỉ giá thường trực.
Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn 50 - 100 điểm khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến (tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/04/2024 đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%) và khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động.