Vietcombank đạt “thủ khoa kép” về lợi nhuận
Với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2023 đạt 29.550 tỷ đồng, Vietcombank tiếp tục soán ngôi quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng.
Nhà băng này cũng giữ một khoảng cách khá lớn với vị trí thứ 2 và 3 trên bảng xếp hạng lần lượt là Agribank và MB với số lãi sau thuế lần lượt là 21.860 tỷ đồng và 20.019 tỷ đồng. BIDV đứng thứ 4 với 19.763 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Không chỉ vậy, trong quý III, Vietcombank giành được vị trí “thủ khoa kép” khi lợi nhuận cao nhất hệ thống, đạt 9.051 tỷ, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hai ngân hàng tiếp theo đuổi sát nhau lần lượt là VietinBank với lợi nhuận trước thuế 17.401 tỷ đồng và Techcombank đạt 17.115 tỷ đồng.
ACB dừng chân ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 15.024 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Không báo lãi nghìn tỷ như những ngân hàng chung bảng xếp hạng, nhưng trong quý III, HDBank và VIB đã có sự vươn lên mạnh mẽ.
Theo đó, lũy kế 9 tháng năm 2023, HDBank báo lãi trước thuế đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 8%; VIB có lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
SHB khoá sổ top 10 với lợi nhuận trước thuế 8.509 tỷ đồng. Đáng chú ý, kết thúc 9 tháng, VPBank bật khỏi bảng xếp hạng khi có màn đi giật lùi báo lãi ròng sau thuế đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng lợi nhuận kiểu “âm thịnh dương suy”
Tổng hợp từ báo cáo tài chính các ngân hàng trong quý III/2023, có đến 15 ngân hàng báo lãi luỹ kế giảm, 11 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận lũy kế tăng và 1 ngân hàng đang bị lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Buồn của ngành ngân hàng là lợi nhuận rơi vào thế “âm thịnh dương suy” khi số ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng âm nhiều hơn.
Theo đó, BVBank “đội sổ” khi báo lãi 9 tháng đầu năm 2023 đạt 61 tỷ đồng, giảm 85% so với khoản lãi hơn 420 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Tương tự, lợi nhuận ngân hàng ABBank giảm 59%; Eximbank giảm 46%; VietABank giảm 27%; VietBank giảm 22%...
Ở chiều ngược lại, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, dù không nằm trong top 10 lợi nhuận nhưng Sacombank lại có mức tăng trưởng về lợi nhuận cao nhất toàn ngành ngân hàng với tỉ lệ tăng 54%, thu về 6.840 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Nối gót theo sau là ngân hàng OCB với lãi luỹ kế đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ; Kienlongbank báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 639 tỷ đồng, tăng 25%...
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, việc lợi nhuận nhiều ngân hàng đi lùi sau 9 tháng đầu năm là do tăng trưởng tín dụng ở mức tương đối thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cũng nhỏ hơn so với năm ngoái. Thu phí dịch vụ về cơ bản tăng thấp hơn do một số khoản phí vẫn đang tiếp tục được miễn, giảm.
Bên cạnh đó, những dịch vụ kinh doanh khác như bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) hay kinh doanh trái phiếu đều không được thuận lợi như những năm trước.
Đặc biệt, việc nợ xấu đã và đang tăng lên khiến các tổ chức tín dụng buộc phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, đồng nghĩa với việc thu hẹp lợi nhuận.
Lợi nhuận ngân hàng có thể tăng nhưng không nhiều
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, mới chỉ có 9 ngân hàng hoàn thiện được 75% kế hoạch năm. Trong đó, Kienlongbank tạm dẫn đầu khi hoàn thiện được 91,3% mục tiêu mà Hội đồng quản trị đề ra.
Tuy nhiên, có đến 7 nhà băng chưa vượt mức 50% lợi nhuận năm, bao gồm: BaoViet Bank (35,6%); BV Bank (12,2%); VietBank (43,6%); VietABank (46,6%); ABBank (23,2%); Eximbank (34,2%); VPBank (34,5%).
Đánh giá về xu hướng lợi nhuận ngân hàng trong những tháng cuối năm, ông Lực cho rằng, lợi nhuận ngân hàng có thể tăng nhưng không nhiều.
Chuyên gia dự đoán, tín dụng có thể tăng nhanh hơn. Một số những khoản thu phí dịch vụ liên quan đến thị trường chứng khoán, cho vay margin cũng có khả năng vươn lên vào thời điểm cuối năm.
Về ngành ngân hàng trong năm 2023, công ty chứng khoán VNDirect cho rằng "sóng gió vẫn tiếp diễn". Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng.
Nhìn chung, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành này sẽ chậm lại và đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022), khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023, theo đó các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Do đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới, với 66,7 - 72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỉ lệ 70,3 - 74,8% của kỳ trước).
Ngược lại, số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh “suy giảm” cũng tăng lên. Trong năm 2023, 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022. Bên cạnh đó, vẫn có 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Thu Hương