Việc đầu tư ATM không hiệu quả có thể là do hoạt động kinh doanh yếu kém của ngân hàng đó chứ không phải do nguyên nhân đầu tư lớn, chủ thẻ không sử dụng hoặc để ít tiền trong thẻ, Ngân hàng nhà nước khẳng định.
Theo đó, số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hiệp hội Thẻ Việt Nam công bố mới đây cho thấy: Đến cuối tháng 6, toàn hệ thống có khoảng 37,7 triệu tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ ATM, với trên 90% là thẻ thanh toán nội địa và tổng số tiền để trong đó gần 70.000 tỷ đồng. Số tiền này lại chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 2%/năm.
(Ảnh minh họa)
Chỉ cần tính với mức tiền gửi tiết kiệm 9 %/năm như các ngân hàng thương mại đang huy động hiện tại, mỗi năm chủ tài khoản thẻ đã chịu thiệt một số tiền khổng lồ, lên đến 4.900 tỷ đồng. Khoản lợi khổng lồ này chính là số tiền các ngân hàng được hưởng. Số tiền ngân hàng được lợi trên đem chia đều cho 13.920 cây ATM hiện có, bình quân mỗi cây ATM đã cho ngân hàng thu lợi trên 350 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, số liệu thống kê cũng cho thấy, các chủ của số thẻ ATM trên đã thực hiện gần 130 triệu giao dịch thanh toán mỗi năm với mức 3.300 đồng nếu rút tiền; 1.650 đồng khi khách hàng cần kiểm tra thông tin và in sao kê. Như vậy, tổng giá trị giao dịch đạt gần 200.000 tỷ đồng, một khoản phí không nhỏ từ các giao dịch liên mạng.
Theo tính toán của một chuyên gia về tài chính - ngân hàng, mỗi máy trị giá khoảng 17.000 - 20.000 USD, cộng chi phí thuê chỗ lắp đặt, camera an ninh... một buồng ATM cũng chỉ cần vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Ngay cả khi khấu hao nhanh ở mức 5 năm, mỗi năm chi phí cho khoản khấu hao của một buồng ATM hết chừng 100 triệu đồng. Như vậy với mức lãi 350 triệu đồng/năm, các ngân hàng vẫn còn số tiền 250 triệu đồng.
Vẫn là “thông điệp” kêu lỗ, thời gian qua các ngân hàng liên tục đòi tăng phí và thu phí đối với các giao dịch nội mạng. Tuy nhiên, sau những số liệu thống kê nói trên NHNN cần cân nhắc, tính toán để tránh gây thêm thiệt thòi cho người sử dụng thẻ và khuyến khích khách hàng sử dụng tài khoản và giao dịch qua thẻ.
Tuấn Khanh