Quyết định này được xem là bước đi cụ thể nhất trong việc giải quyết bài toán nợ vốn tồn tại lâu nay trong nền kinh tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính cho rằng, nhiều ngân hàng sẽ hưởng lợi lớn từ quyết định này, vì chả khác nào "địa chủ mua lúa non". Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với T.S Đoàn Văn Thắng, phó tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Cả hai cùng hưởng lợi
Ông đánh giá như thế nào về quyết định này của NHNN?
Quyết định này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, vì trước khi NHNN ban hành văn bản này thì việc xử lý nợ trong nền kinh tế vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất. Điều cốt yếu của Chính phủ vẫn là làm thế nào để giải quyết được nợ xấu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay thì nợ quá hạn, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là rất nhiều, nên việc ban hành văn bản này theo tôi là rất cần thiết.
Theo Quyết định 59 thì ngân hàng có quyền bán các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng khác, thậm chí cho các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân có nhu cầu khác. Để thực hiện mua bán nợ thì phải thực hiện giữa 3 bên. Đó là chủ nợ mới, chủ nợ cũ và khách hàng, thay vì việc khách hàng phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với chủ nợ cũ thì bây giờ phải thực hiện quyền và nghĩa vụ với chủ nợ mới. Ví dụ, doanh nghiệp A đang nợ xấu ngân hàng B, giờ ngân hàng B có quyền bán nợ xấu đó cho ngân hàng C. Lúc này, doanh nghiệp A phải làm các nghĩa vụ nợ đối với ngân hàng C.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc NHNN cho phép mua bán nợ là một tín hiệu tốt đối với thị trường tài chính nói chung và giúp các ngân hàng có thể giải quyết được nợ xấu vốn tồn tại lâu năm trong ngân hàng mình. Mặt khác, động thái này cũng góp phần thúc đẩy thị trường mua bán, sáp nhập phát triển. Khi tổ chức nào mua nợ xấu thì người ta sẽ nghĩ đến việc kinh doanh, điều này sẽ làm cho tính thanh khoản của thị trường được tốt hơn.
Ngân hàng lớn sẽ thâu tóm?
Có nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của NHNN sẽ vô tình tạo ra tình huống đục nước béo cò và các các ngân hàng lớn được ví như "địa chủ mua lúa non"?
Có một thực tế hiện nay của nền kinh tế là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp đang ở mức đáng lo ngại. Và tình trạng trên càng trầm trọng khi con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng thêm mỗi ngày. Trong khi đó thì rất nhiều ngân hàng đang dư dả tiền.
Theo tôi, việc cho phép mua bán nợ sẽ có tác dụng kích thích thị trường. Doanh nghiệp có lợi ở chỗ, nếu như khi ở với chủ nợ cũ, người ta không thể cho anh vay tiếp để anh sản xuất, trong hoàn cảnh sắp chết vì thiếu vốn, thì nay anh được chuyển qua cho chủ nợ mới giàu hơn, mạnh tài chính hơn. Chủ nợ đó tiếp tục gác khoản nợ cũ và cho anh vay thêm những khoản mới để vực anh dậy. Chuyện mua bán nợ này có thể Chính phủ đứng ra thông qua các công ty mua bán nợ của Chính phủ.
Nhìn nhận một cách khách quan, rõ ràng ngân hàng lớn vẫn được hưởng lợi rất nhiều từ quyết định cho mua bán nợ. Nếu nói như một số người rằng đây là cơ hội để ngân hàng lớn mua lúa non thì hơi quá, nhưng nhiều ngân hàng đang có cơ hội lớn để thâu tóm.
Chẳng hạn, trong mấy năm qua, không ít ngân hàng thương mại cho vay rất nhiều đối với dự án bất động sản. Do thị trường bất động sản đình trệ nên họ bị ngâm vốn vào đó và mất thanh khoản, buộc ngân hàng Trung ương phải gia tăng tái cấp vốn. Nghiệp vụ tái cấp vốn của ngân hàng Trung ương vốn dĩ là nơi thực hiện chức năng hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng đầu tư cho sản xuất nhưng cực chẳng đã, nhà điều hành đã phải nhận cầm cố cả những hồ sơ tín dụng để tái cấp vốn cho những ngân hàng thương mại mất thanh khoản vì bất động sản. Nay, Ngân hàng Nhà nước cho phép 14 ngân hàng được mua bán nợ với hầu hết khoản nợ như nói trên, xét về bản chất, đang xã hội hóa hoạt động mua bán nợ, điều mà Ngân hàng Nhà nước từng làm khi tái cấu trúc Habubank với khoản nợ tới 4.060 tỷ đồng mà có vẻ không tốn một xu.
Nhìn một cách khách quan, theo ông có thể gọi đây là thời kỳ thâu tóm của các ngân hàng lớn?
Tôi nghĩ sẽ có chuyện đó, và đó cũng là một việc hết sức bình thường trong cơ chế thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Quốc Triều