Tạp chí BizLIVE đưa tin, theo ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE - mã ACB), ngày 09/8/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của ACB từ hơn 11.259 tỷ đồng lên gần 12.886 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Được biết, cuối tháng 7/2018, ACB đã có thông báo về việc triển khai trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, thực hiện trong quý III/2018. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới.
Số lượng cổ phiếu tối đa dự kiến phát hành là hơn 162 triệu cổ phiếu. Sau đợt chi trả cổ tức này, số lượng cổ phiếu của ACB sẽ tăng lên 1.288.587.738 cổ phiếu, trong đó gồm hơn 41 triệu cổ phiếu quỹ và hơn 1,24 tỷ cổ phiếu lưu hành. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ được tăng từ 11.259 tỷ đồng lên 12.886 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu ACB thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo duy trì tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ACB trong giới hạn quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam sau khi tăng vốn.
Cụ thể, tờ Người Đồng Hành cho hay, chỉ đạo trên đồng nghĩa với việc NHNN yêu cầu ACB giữ "room" ngoại không vượt 30% khi tăng vốn.
Sau khi công bố quyết định của HĐQT về phương án tạm ứng cổ tức ngày 27/7, cổ phiếu ACB đã tăng khá gần đây, có thời điểm lên 38.100 đồng/cp (tăng 7%). Đóng cửa ngày 14/8, giá cổ phiếu ACB hiện ở mức 37.500 đồng/cp.
ACB cũng phải đảm bảo kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2018 phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Lưu ý dư nợ tín dụng năm 2018 không bao gồm dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác của của tổ chức khác không phải tổ chức tín dụng.
Trước đó, theo Người Đồng Hành, căn cứ vào công văn của ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và đề nghị của ngân hàng TMCP Á Châu, trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán ACB từ 29,88% lên 30% từ ngày 28/5/2018.
ACB là đơn vị luôn kín room ngoại và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã chạm mức 30%. Cơ cấu cổ đông nước ngoài của ACB hiện nay bao gồm Dragon Financial Holdings Ltd (7,1%), hai quỹ thuộc nhóm Alp Finance là Whistler Investments Limited và Sather Gate Investments Limited (9,95%); hai công ty con của Connaught Investors Limited là First Burns Investments (4%) và Asia Reach Investments (3,26%). Tổng nắm giữ riêng của các tổ chức này là 24,31%.
Theo tờ Vietnam Finance, nửa đầu năm 2018, ACB đạt lợi nhuận thuần 3.596 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giảm tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần xuống vỏn vẹn 12,3% (từ mức 43,3%) nên lợi nhuận trước thuế của ACB tăng tới 2,5 lần, đạt 3.151 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của ACB đạt 309.968 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 221.861 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, chỉ 0,79%.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của ACB đến hết ngày 30/6/2018 ở mức 18.318 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 267.801 tỷ đồng, tăng 11%; trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 15,4%.
H.Y (tổng hợp)