Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nâng cao chất lượng bảo hiểm và hạn chế nợ xấu phát sinh mới

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nâng cao chất lượng bảo hiểm và hạn chế nợ xấu phát sinh mới

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 10/10/2023 11:25

NHNN yêu cầu các TCTD chủ động có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro phù hợp nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ xấu mới, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Công văn số 7688/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, công tác kiểm soát/kiểm toán nội bộ và hoạt động đại lý bảo hiểm. 

Văn bản trên nêu rõ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nhằm góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng (không bao gồm quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Các tổ chức tín dụng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (trong đó lưu ý hoạt động cho vay tiêu dùng, cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản), đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; lưu ý mức độ tập trung tín dụng vào khách hàng/khách hàng lớn và người có liên quan, nhóm khách hàng có liên quan, cổ đông và người có liên quan....

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định tín dụng, định giá tài sản bảo đảm, kiểm tra sử dụng vốn vay, đặc biệt là cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, nỗ lực thu hồi, xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Chủ động cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản và tuân thủ các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Song song đó, các ngân hàng cần thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; chủ động rà soát, phát hiện các trường hợp phân loại nợ, trích lập dự phòng chưa đúng quy định để chấn chỉnh kịp thời đảm bảo việc phân loại nợ, trích lập dự phòng phản ánh đúng chất lượng nợ.

Thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái theo đúng quy định đồng thời rà soát các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đặc biệt, các ngân hàng rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi; chủ động có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro phù hợp nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ nhóm 2, nợ xấu mới, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Ban Kiểm soát, kiểm toán nội bộ phải nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Điều lệ của tổ chức tín dụng, các văn bản hướng dẫn của NHNN và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trong đó lưu ý triển khai các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 273/TB-NHNN ngày 31/8/2023 thông báo chỉ đạo của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ phận này nhằm phát hiện, cảnh báo, kịp thời ngăn ngừa rủi ro, xử lý các tồn tại, vi phạm trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Trong đó chú ý tăng cường kiểm tra, giám sát những lĩnh vực trọng yếu, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các hoạt động ngân hàng có mức độ rủi ro cao.

Tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng. Ban kiểm soát phải thực sự độc lập với Hội đồng quản trị; kịp thời phát hiện, can thiệp, ngăn chặn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền (cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước...) trong trường hợp Hội đồng quản trị có những quyết định không đúng quy định của pháp luật.

Thành viên Hội đồng quản trị độc lập cần có vai trò, quan điểm trong trường hợp Hội đồng quản trị có những quyết định gây phương hại đến lợi ích của cổ đông hoặc phục vụ lợi ích nhóm. Nâng cao các quy định về kế toán, kiểm toán, ban hành hệ thống các quy định an toàn, minh bạch phù hợp quy định của pháp luật.

Công văn cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư số 135/2012/TT-BTC ngày 15/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, Thông tư số 52/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và các văn bản có liên quan khác.

Doanh nghiệp cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mặt khác, các doanh nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.

Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, tư vấn viên phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng bao gồm: Nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp dành cho khách hàng.

Các doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm cần bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thay cho nhân viên của tổ chức tín dụng; nghiêm cấm hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư.

Công văn nêu rõ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và Trưởng Ban Kiểm soát của tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên.

Tuệ Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.