Ngân hàng số 2 thế giới bị điều tra vì nghi vấn 'buôn con quan'

Ngân hàng số 2 thế giới bị điều tra vì nghi vấn 'buôn con quan'

Thứ 2, 19/08/2013 15:06

Theo một tài liệu mật của chính phủ Mỹ mà tờ New York Times có được, giới chức liên bang nước này đang mở một cuộc điều tra xem JPMorgan Chase, trụ sở ở New York, có tuyển dụng con cái quan chức cấp cao Trung Quốc để đổi lấy những hợp đồng kinh doanh béo bở hay không.

Với tổng tài sản 2.509 tỉ USD vào 2012, JPMorgan Chase&Co là công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và thứ hai thế giới (sau HSBC).

Được thành lập năm 2000, sau khi Tập đoàn Chase Manhattan sáp nhập JPMorgan&Co, thương hiệu JPMorgan được sử dụng cho các dịch vụ về tài chính và ngân hàng.

Bất động sản - Ngân hàng số 2 thế giới bị điều tra vì nghi vấn 'buôn con quan'
Với tổng tài sản 2.509 tỉ USD vào 2012, JPMorgan Chase&Co là công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và thứ hai thế giới (sau HSBC)

Hai vụ tuyển dụng đáng ngờ

Các gia đình của tầng lớp lãnh đạo ở Trung Quốc nhìn thấy mối lợi lớn khi tìm việc tại các ngân hàng ở Phố Wall, cho dù việc làm thường đòi hỏi chi những khoản làm tin. Tìm được việc làm ở những ngân hàng này sẽ thêm điểm tốt trong lý lịch của các nhà tài chính tham vọng và tăng thêm độ tin cậy trong thế giới kinh doanh Trung Quốc.

Theo một bản sao tài liệu mật của chính phủ Mỹ, hồi tháng 5, bộ phận chống hối lộ của ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) yêu cầu JPMorgan giao hồ sơ của Tang Xiaoning. Đây là con trai của Tang Shuangning, Chủ tịch Tập đoàn China Everbright từ năm 2007. Trước đó, Tang Shuangning là Phó chủ tịch điều hành hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Được biết trước khi nhận Tang vào làm, JPMorgan có vẻ kiếm ít nếu như có giao dịch với China Everbright. Nhưng kể từ sau khi có Tang, China Everbright trở thành một trong những khách hàng châu Á giá trị của JPMorgan.

Năm 2011, một chi nhánh ngân hàng Everbright thuê JPMorgan làm một trong 12 nhà tư vấn tài chính cho quyết định trở thành một công ty đại chúng. Giữa lúc kinh tế toàn cầu rối ren và có những nghi ngờ về hệ thống ngân hàng Trung Quốc, thương vụ này bị hoãn.

Tuy nhiên, theo Standard & Poor’s Capital IQ, vào 2012, JPMorgan là ngân hàng duy nhất được thuê để tư vấn cho China Everbright International trong một vụ mua bán cổ phiếu trị giá 162 triệu USD và JPMorgan có một phần vốn trong chi nhánh này.

Cùng năm đó, JPMorgan hướng dẫn China Everbright trong vụ giao dịch vốn sở hữu tư nhân lớn nhất từ trước đến giờ ở Trung Quốc. Thương vụ là tái cơ cấu công ty quảng cáo kỹ thuật số Focus Media thành một công ty tư nhân mà China Everbright.có một phần sở hữu.

SEC cũng điều tra việc JPMorgan ở Hong Kong tuyển dụng Zhang Xixi, con gái Zhang Shuguang, phụ tá kỹ sư trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc. Trước khi gia nhập JPMorgan, Zhang theo học ĐH Stanford.

Bộ Đường sắt chưa bao giờ trực tiếp thuê JPMorgan, nhưng Tập đoàn Đường sắt thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã thuê JPMorgan tư vấn các kế hoạch cổ phần hóa. Cô Zhang được nhận vào làm trong thời gian này. Với sự giúp đỡ của JPMorgan, Đường sắt Trung Quốc đã tăng vốn hơn 5 tỉ USD khi lên sàn vào 2007.

Khoảng 4 năm sau, khi Zhang đang là nhân viên ngân hàng, JPMorgan lại thắng thầu. Lần này, theo báo cáo truyền thông, điều phối viên một tuyến đường sắt cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải đã chọn ngân hàng hướng dẫn công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Thương vụ tan vỡ sau vụ tai nạn đường sắt năm 2011 làm chết 40 người và bị thương hàng trăm người. Sự cố lôi cuốn sự chú ý quốc tế về những nguy cơ của tệ nạn tham nhũng trong hệ thống đường sắt Trung Quốc.

Bộ trưởng Đường sắt lúc đó, Liu Zhijun, nhận án tử hình treo do nhận hối lộ để giao các hợp đồng đường sắt trong suốt 25 năm. Cha của cô Zhang cũng bị giam do tình nghi tham nhũng.

Ngoài con gái của quan chức đường sắt, SEC điều tra “tất cả nhân viên JPMorgan đã làm việc vì hay nhân danh bộ Đường sắt Trung Quốc” trong hơn 6 năm qua.

Trong cả hai trường hợp nghi vấn, SEC tìm kiếm mức lương, hồ sơ xin việc và tài liệu đủ để xác định tất cả những ai liên quan đến quyết định tuyển dụng Tang và Zhang.

Với yêu cầu JPMorgan cung cấp tất cả hợp đồng hay thỏa thuận giữa JPMorgan và China Everbright, và giữa JPMorgan và bộ Đường sắt, có vẻ SEC muốn xác minh mối liên hệ giữa việc tuyển dụng Tang và Zhang với những hoạt động kinh doanh mà JPMorgan thu được từ China Everbright cùng các chi nhánh, và từ Bộ Đường sắt Trung Quốc.

Chiến lược tuyển dụng "con ông cháu cha"

Theo các chuyên gia luật, không có gì là trái phép khi thuê mướn người thuộc giới chức lãnh đạo. Để gọi là phạm pháp, một công ty phải hành động với ý định đút lót, hay với mong muốn tuyển dụng để đổi lại công việc kinh doanh với nhà nước.

Theo chuyên gia Michael Koehler, trợ lý giáo sư tại khoa Luật, ĐH Southern Illinois: “Tuy thuê con trai hay con gái ai đó không trái luật, đèn đỏ sẽ được bật nếu người được thuê không đủ tư cách đảm đương vị trí, hay ví dụ như, nếu một công ty chưa bao giờ nhận công việc kinh doanh nào, nhưng rồi tuyển dụng lại kiếm được hợp đồng.”

Tài liệu chính phủ và các hồ sơ công rõ ràng không liên hệ giữa các thủ tục tuyển dụng với khả năng kiếm được hợp đồng của JPMorgan, cũng không cho thấy các nhân viên không đủ trình độ. Hơn nữa, hồ sơ không chứng tỏ các nhân viên này đã giúp JPMorgan thắng thầu. Ngân hàng không bị cáo buộc phạm pháp.

Tuy nhiên những yêu cầu của SEC trong tài liệu mật hàm chỉ một chiến lược tuyển dụng rộng rãi hơn ở các văn phòng JPMorgan tại Trung Quốc. Giới chức Mỹ nghi ngờ JPMorgan đều đặn tuyển dụng nhân viên xuất thân từ các gia đình quan chức lãnh đạo Trung Quốc để nhận lại hợp đồng.

Những năm gần đây, các công ty phương Tây thường hăng hái kiếm phần trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Các công ty toàn cầu cũng thường xuyên tuyển dụng con cái các chính khách hàng đầu Trung Quốc. Điều bất thường trong vụ JPMorgan là tập đoàn này lại thuê mướn con cái quan chức lãnh đạo các công ty nhà nước.

Trong những năm gần đây, SEC và bộ Tư pháp Mỹ đều tăng tốc thực thi luật Thông lệ Tham nhũng ở nước ngoài năm 1977, chủ yếu cấm các công ty Mỹ đưa “bất cứ cái gì có giá trị” cho một viên chức nước ngoài để có “một lợi thế không thích đáng” nắm giữ kinh doanh.

SEC lập một bộ phận chống hối lộ riêng và kể từ năm 2010, đơn vị này đã khởi kiện khoảng 40 vụ với những công ty như Tyco và Ralph Lauren. Trong cùng thời gian, bộ Tư pháp Mỹ cũng có cùng những cáo buộc với hơn 60 vụ.

Vận đen đeo bám?

Vụ điều tra JPMorgan diễn ra lúc ngân hàng đã là tiêu điểm điều tra của ít nhất 8 cơ quan liên bang, một cơ quan tiểu bang ở Mỹ và hai nước ngoài. Con số vụ việc đã buộc một số nhà làm luật phải đặt câu hỏi là với quy mô hoạt động trong hơn 60 nước, có phải JPMorgan quá lớn nên không quản lý xuể.

Cuộc điều tra lần này của các cơ quan liên bang có thể tạo ra một thách thức còn lớn lao hơn cho JPMorgan.

Tuy các ngân hàng đôi khi cũng mắc sai lầm ngớ ngẩn – thực tế, JPMorgan đạt lợi nhuận kỷ lục hàng quý, cho dù thua lỗ lớn ở London năm rồi khi kinh doanh chứng khoán phát sinh và có thể phải dàn xếp đển nhận một mức phạt nặng vào mùa thu này – một cuộc điều tra tham nhũng có thể để lại vết nhơ lâu dài cho tập đoàn, thậm chí có thể thúc đẩy bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra tội phạm.

Trước đó, ngày 14/8, các công tố viên Mỹ đã khởi tố hình sự 2 cựu nhân viên Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase liên quan vụ bê bối trong giao dịch tài chính mang tên “The London Whale” với tổn thất lên đến 6,2 tỉ USD.

Hai cựu nhân viên này là Javier Martin-Artajo và Julien Grout, từng làm việc ở văn phòng đầu tư của JPMorgan ở London. Họ bị cáo buộc đã âm mưu làm sai lệch sổ sách, lừa đảo thông qua việc che giấu các khoản lỗ khổng lồ.

Sự gian lận này dẫn đến việc thể hiện không đúng kết quả hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại nặng nề cho các danh mục đầu tư chứng khoán phái sinh. Vụ việc bị phơi bày hồi năm ngoái. Ban đầu, Tổng giám đốc JPMorgan Jamie Dimon cho rằng vụ việc chẳng đáng gì, chỉ như “cơn bão trong ấm trà”.

Thế nhưng, giờ đây thì con số thiệt hại đã được chứng minh chẳng nhỏ chút nào. Reuters dẫn lời công tố viên Preet Bharara nhận định: “Đây không phải là cơn bão trong ấm trà mà là một cơn bão “hoàn hảo” từ những hành vi sai trái của các cá nhân và cả sự kiểm soát nội bộ lỏng lẻo”.

Hơn hai tuần qua, vận rủi không ngừng đeo bám JPMorgan. Hồi cuối tháng 7, Ủy ban Giám sát năng lượng Liên bang Mỹ (FERC) cáo buộc tập đoàn này đã thao túng thị trường điện ở bang California và vùng trung tây của Mỹ từ tháng 9/2010 - 6/2011.

Dự tính, JPMorgan sẽ phải chi ra khoảng 400 triệu USD để giải quyết êm thấm vụ việc. Đến đầu tháng, JPMorgan thừa nhận đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hình sự lẫn dân sự liên quan đến kinh doanh chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản.

Theo Phương Nguyên (Đất Việt)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.