Theo những số liệu của Ngân hàng Standard Chartered thì Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 4 tại châu Á sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó, vàng cùng với USD và tiền đồng đều được sử dụng rộng rãi như tiền tệ. Vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tất nhiên, không phải đến bây giờ mà trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam, vàng luôn được sử dụng rộng rãi cho mục đích đầu tư và là phương thức thanh toán thay thế tiền mặt trong những giao dịch lớn. Trong những năm gần đây, vàng còn được sử dụng như một biện pháp chống lại lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới.
Ngân hàng Standard Chartered lý giải, sở dĩ nhu cầu vàng tại Việt Nam ở mức cao là do xuất phát từ yếu tố văn hóa. Nhiều người coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy và vẫn tiếp tục mua vào dù giá cả bất ổn.
Cụ thể, theo ước tính của Hiệp hội Vàng thế giới, tổng lượng vàng tích trữ tại Việt Nam hiện đạt khoảng 1.000 tấn, tương đương 45% GDP, trong khi đó, tại đa số các nước khác trên thế giới, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 3% GDP. Người Việt Nam mua vàng và giữ trự phần lớn tại nhà, chỉ một phần nhỏ gửi ở ngân hàng.
Nguyên nhân thứ hai, theo Standard Chartered là do lạm phát quá nhanh trong những năm gần đây khiến người Việt lao vào giữ vàng. Nắm giữ vàng được coi như là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài sản. Đồng thời là do người Việt thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, người Việt trở nên ưa chuộng vàng và USD.
Đó là những lý do khiến người Việt ưa chuộng vàng. Tuy nhiên, theo Standard Chartered việc đặt niềm tin vào vàng và USD cao hơn so với tiền đồng đã làm suy yếu vai trò của đồng nội tệ và dẫn đến những rủi ro đối với hệ thống kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã gây ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng và hình thành nên một thị trường “chợ đen”… khiến giá vàng nội địa tăng cao và gây bất ổn kinh tế.
Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Khánh Tuân (Lược từ VnEconomy)