"Tận thu" tối đa
Đầu tháng 2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã hạ mức giao dịch tối đa tại ATM từ 3 triệu đồng/lần xuống còn 1 triệu đồng/lần, gây khó chịu cho khách hàng.
Chị Ngọc Mỹ - cán bộ tại một cơ quan nhà nước ở quận 3 (TP.HCM) vừa rút tiền tại máy ATM trên đường Nguyễn Thị Minh Khai bức xúc cho biết: "Sáng 1/2, đi rút tiền, tôi thật sự bất ngờ khi máy chỉ cho phép rút tối đa 1 triệu đồng/lần giao dịch thay vì 3 triệu đồng/lần như trước đây. Đáng nói, mỗi lần rút tiền, tôi lại bị trừ mất 1.100 đồng trong tài khoản. Tôi rút 5 triệu đồng mà mất 5.500 đồng tiền phí. Không chỉ mất nhiều phí, tôi lại phải thao tác nhiều lần, gây mất thời gian cho tôi và nhiều người khác khi phải xếp hàng chờ đợi...".
Cũng theo chị Mỹ, trước đó, vì cây ATM gần Vietinbank hết tiền, chị vào thẳng chi nhánh giao dịch. Thế nhưng, nhân viên ngân hàng bảo chị nếu rút tiền trong TK thì chị nên ra ATM mà rút, nếu rút tại phòng giao dịch chị sẽ mất nhiều phí hơn. Vì không muốn mất thời gian đi lại, chị Mỹ đồng ý rút tiền tại chi nhánh của ngân hàng này. Kết quả, rút 6 triệu đồng, chị phải mất 22.000 đồng tiền phí.
Cũng dở khóc dở cười là trường hợp của chị Phương - ngụ tại quận 1, khi rút tiền khác hệ thống ngân hàng. Chị Phương cho hay: "Thấy máy ATM của Vietinbank tại trụ sở cơ quan đông người xếp hàng, tôi đến máy ATM của ngân hàng Agribank gần đó rút cho tiện. Rút 2 lần đều suôn sẻ, lần thứ 3 thì tiền và thẻ ATM đều không ra. Bị nuốt thẻ, tôi đến chi nhánh Vietinbank làm thủ tục để xin lấy lại thẻ.
Nhưng do khác hệ thống ngân hàng, nhân viên bảo sẽ mất nhiều thời gian. Gần Tết, lại cần tiền mua sắm, tôi đành phải làm lại thẻ mới cho nhanh để có tiền mà xài".
Không chỉ Vietinbank mà nhiều ngân hàng lớn khác như Vietcombank, Techcombank, Agribank... cũng tranh thủ thu phí ATM của khách hàng những ngày cận Tết. Bởi thời điểm này, nhu cầu rút tiền mặt của người dân càng cao. Theo đó, nhiều máy ATM bị "nghẽn" vì quá tải. Để rút tiền nhanh, nhiều người dân phải sang các máy ATM khác hệ thống để giao dịch.
Chính vì vậy, phí giao dịch ngoại mạng cũng được các ngân hàng tranh thủ nâng lên, dù theo Thông tư số 35/2012/TT-NHNN, phí ngoại mạng thu không quá 3.300 đồng/lần. Thực tế, vẫn có ngân hàng thu phí trên 5.000 đồng/lần giao dịch.
Điều đáng nói ở đây, dù các ngân hàng tận thu phí dịch vụ, nhưng chất lượng hệ thống ATM vẫn chưa được cải thiện. Tình trạng hết tiền, nuốt thẻ, thậm chí là hạ mức rút tiền tối đa xuống đã gây khó chịu cho người dân khi sử dụng dịch vụ này.
Thiệt thòi vẫn thuộc về người dân
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến hết tháng 11/2012, cả nước có trên 14.000 máy ATM và trên 51 triệu thẻ ATM. Như vậy, bình quân mỗi máy ATM đang phục vụ khoảng hơn 3.600 thẻ.
Hiện tại, mỗi chủ thẻ đang phải chịu khá nhiều khoản phí như: phí phát hành lần đầu khoảng 100.000 đồng (gồm chi phí và tiền giữ thẻ); phí phát hành thay thế thẻ hết hạn từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng; phí dịch vụ phát hành nhanh (nếu khách hàng yêu cầu) 200.000 đồng/lần; phí thường niên (thu theo năm, căn cứ thời hạn hiệu lực thẻ) 50.000 đồng/năm; phí cấp lại PIN 30.000 đồng; phí tra soát khiếu nại (nếu chủ thẻ khiếu nại không đúng) 80.000 đồng; phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác 5.400 đồng/giao dịch; phí giao dịch "khác" (không bao gồm giao dịch hỏi PIN) tại ATM của ngân hàng khác là 3.000 đồng/giao dịch; phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch là 80.000 đồng/hóa đơn... Tất cả các mức phí trên đều chưa... cộng thuế GTGT 10%.
Còn theo tính toán của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, giá máy ATM hiện nay xê dịch từ 10.000 - 15.000 USD/máy. Lấy giá bình quân mức cao 15.000 USD (tương đương khoảng 300 triệu đồng) thì với 14.000 cây hiện có, các ngân hàng phải bỏ ra hơn 4.200 tỉ đồng. Nếu phí rút tiền nội mạng là 3.300 đồng/lần, thì với 51 triệu tài khoản, mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được lên tới gần 505 tỉ đồng.
Nếu tính cả chi phí lắp đặt, thuê mặt bằng, nhân công, bảo dưỡng... (cứ cho là bằng khoản tiền bỏ ra mua máy) thì cũng chỉ hai năm sau với khoản thu phí này, các ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu.
Nhiều ý kiến phân tích, tiền đầu tư ATM phần lớn là từ tiền của dân gửi, thu phí chẳng khác nào lại bắt dân đóng thêm tiền cho ngân hàng. Hơn nữa, trong 10 năm kể từ khi có máy ATM, các ngân hàng đã phải tính toán trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi thẻ ATM rồi, chứ không phải là họ làm không công.
Trong khi đó, việc buộc các doanh nghiệp, cơ quan chi trả lương cho nhân viên qua thẻ ATM khiến người chịu thiệt vẫn là người dân. Theo đó, từ 1/3/2013, các ngân hàng được phép thu phí nội mạng.
Người dân không chỉ rút tiền 1 lần trong tháng mà thường rút nhiều lần. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng cần cân đối phí dịch vụ hợp lý, nới hạn mức rút tiền tối đa, nâng cao chất lượng hệ thống ATM để người sử dụng thẻ ATM không thấy sử dụng ATM như một gánh nặng.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, cho rằng các ngân hàng cần tăng cường đầu tư công nghệ, đặc biệt là các thiết bị thẻ và mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ; đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, an toàn cũng như tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm thẻ và các dịch vụ gia tăng cho khách hàng.
Giải quyết sự cố ATM dịp tết
Gặp những tình huống dở khóc dở cười như bị nuốt thẻ, trừ tài khoản nhưng máy không nhả tiền, rút phải tiền rách những ngày cận tết và trong tết... chủ thẻ phải liên hệ ở đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các ngân hàng (NH) cho biết những ngày cận tết là cao điểm rút tiền, các NH đều bố trí bộ phận trực trong những ngày này để giải quyết sự cố. Khi bị nuốt thẻ tại máy ATM của chính NH, chủ thẻ liên hệ với số điện thoại đường dây nóng được dán trên máy sẽ được NH giải quyết trả thẻ ngay nếu máy ATM nuốt thẻ nằm ở các trung tâm thương mại hoặc những quận trung tâm.
Trường hợp máy ATM ở xa NH hoặc sự cố diễn ra vào ban đêm, NH sẽ trả thẻ vào hôm sau. Với trường hợp trừ tài khoản nhưng không nhả tiền tại máy ATM của chính NH phát hành thẻ, chủ thẻ liên hệ đường dây nóng để nhân viên NH kiểm tra nhật ký máy, sau đó sẽ hoàn tiền vào tài khoản để chủ thẻ có tiền chi tiêu trước tết.
Trường hợp sự cố xảy ra ở máy ATM của NH khác hoặc liên minh thẻ khác thì quá trình giải quyết phức tạp và kéo dài hơn. Như trường hợp bị nuốt thẻ, NH phát hành thẻ phải xác nhận để chủ thẻ đến yêu cầu NH chấp nhận thẻ giao lại thẻ nên khó giải quyết trong những ngày nghỉ tết. Tương tự với trường hợp máy trừ tài khoản nhưng không nhả tiền, NH phát hành thẻ phải gửi yêu cầu tra soát đến NH chấp nhận thẻ, đợi nơi này phản hồi, chuyển trả tiền thì NH phát hành thẻ mới hoàn tiền vào tài khoản cho khách hàng. Do vậy những khiếu nại liên mạng tổng đài chỉ có thể ghi nhận, đến sau tết mới giải quyết.
Cũng theo các NH, trường hợp gặp sự cố nuốt thẻ khách hàng vẫn có thể rút được tiền bằng cách dùng chứng minh nhân dân đến NH rút tiền tại quầy chứ không phải chờ đến khi nhận được thẻ. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ thực hiện được trong những ngày ngân hàng làm việc. Theo các NH, hiện nay hệ thống ATM đã nối kết với nhau, do vậy khách hàng có thể rút tiền ở nhiều máy ATM khác nhau, không nên tập trung quá nhiều vào máy của NH phát hành thẻ dẫn đến quá tải, phải chờ đợi.
Trường hợp rút phải tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với NH. Nếu xác định được khách hàng có phát sinh giao dịch và tờ tiền mà khách hàng phản ảnh có khả năng bị lọt qua các khâu kiểm đếm trước khi đưa vào lưu thông, NH sẽ đổi cho khách hàng.
Đối với các khoản tiền gửi có ngày đáo hạn ghi trên sổ rơi vào các ngày nghỉ tết, ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, cho biết sẽ áp dụng chính sách có lợi cho khách hàng. Theo đó, người gửi tiền sẽ được chọn giữa việc rút trước tết hoặc rút vào ngày làm việc tiếp theo. Trong cả hai trường hợp này người dân vẫn được hưởng LS ghi trên sổ tính theo số ngày gửi thực tế. Trường hợp khách hàng có ngày thanh toán tiền lãi vay trong thời điểm nghỉ tết nên thanh toán trước để không bị trễ hạn.
Theo VEF