Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 4/5 đã tăng lãi suất thêm 0,5%. Đây là lần thứ 2 Fed tăng lãi suất sau khi đã tăng 0,25% hồi tháng 3 và là đợt nâng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5/2000, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát leo thang ở nước Mỹ.
Thông tin trên được đưa ra vào cuối cuộc họp chính sách của Fed kéo dài 2 ngày.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức FED phụ trách chính sách tiền tệ, đã thống nhất tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75 đến 1%.
Lạm phát ở Mỹ đang tăng với tốc độ chưa từng thấy trong 40 năm và nhiều đợt tăng lãi suất dự kiến sẽ diễn ra trong những tháng tới.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, phát biểu trong một cuộc họp báo, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế lạm phát. Ông cho biết, các đợt tăng lãi suất 0,5% nữa sẽ "được đưa ra bàn tại một vài cuộc họp tới", nhưng mức tăng 0,75% thì chưa được xem xét.
“Nền kinh tế Mỹ rất mạnh và có điều kiện thuận lợi để xử lý chính sách tiền tệ thắt chặt hơn”, ông Powell nói, và cho biết thêm rằng ông dự đoán nền kinh tế sẽ hạ cánh “mềm hoặc hơi mềm” (nghĩa là nền kinh tế chịu mức suy thoái vừa phải) bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Chứng khoán Mỹ đã bật tăng sau bình luận của ông Powell, với chỉ số S&P 500 tăng 1,7%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm khỏi mức cao trước đó.
Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng đã công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ USD của mình để đối phó với tình trạng giá cả tăng nhanh.
Kế hoạch được vạch ra hôm 4/5 gợi ý rằng việc giảm bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với việc Fed cho phép giới hạn số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn được tung ra mỗi tháng trong khi tái đầu tư phần còn lại.
Thị trường đã chuẩn bị sẵn sàng cho cả 2 động thái này, nhưng vẫn không tránh khỏi biến động trong suốt năm qua.
Cổ phiếu đã lao dốc trong năm nay, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 9% và giá trái phiếu cũng giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn, biến động theo chiều ngược lại, ở mức khoảng 3% hôm 4/5, mức chưa từng thấy kể từ cuối năm 2018.
Nguyên nhân lạm phát thêm căng thẳng
Trong một tuyên bố, FOMC cho biết, hoạt động kinh tế "giảm trong quý đầu tiên", nhưng lưu ý rằng "chi tiêu hộ gia đình và đầu tư cố định kinh doanh vẫn mạnh mẽ", và lạm phát "vẫn ở mức cao".
Bên cạnh đó, tuyên bố của FOMC nhấn mạnh rằng tác động "rất không chắc chắn" của các yếu tố bên ngoài như xung đột Nga - Ukraine, đang "tạo thêm áp lực gia tăng đối với lạm phát và có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế".
“Các đợt phong tỏa liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng”, điều có thể khiến lạm phát gia tăng, FOMC cho biết.
Ngân hàng Trung ương ở một số quốc gia cũng đang thắt chặt chi phí đi vay trong nỗ lực giúp giảm thiểu tác động của lạm phát đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng nước họ.
Nhưng có những lo ngại rằng, những động thái như vậy có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và thậm chí đẩy các nền kinh tế lớn vào suy thoái.
Giá cả đang tăng vọt vào thời điểm mà nhiều quốc gia, vốn vẫn đang quay cuồng với đại dịch, đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột quân sự ở Ukraine gây ra.
Cách các quốc gia phản ứng với lạm phát
Hầu hết các nền kinh tế phương Tây đã ít nhiều giữ lãi suất của họ bằng hoặc gần bằng 0 (mức thấp chưa từng có tiền lệ) liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tài chính chưa từng có tiền lệ được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới đã khiến lạm phát tăng cao hơn và hâm nóng các cuộc thảo luận của các cơ quan chức năng về cách để làm thay đổi tình hình, ngay cả trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát và tăng thêm áp lực lên giá lương thực và nhiên liệu nói riêng.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tăng lãi suất hôm 4/5, chỉ vài giờ trước khi Fed tuyên bố hành động.
Trong lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 8/2018, Ngân hàng Trung ương của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã tăng chi phí đi vay thêm 0,4% lên thành 4,40% với hiệu lực ngay lập tức.
"Khi nhiều cơn bão ập đến cùng nhau, hành động của chúng ta ngày nay là những bước đi quan trọng để giữ vững con tàu", Thống đốc RBI Shaktikanta Das tuyên bố.
"Đáng báo động nhất, áp lực lạm phát dai dẳng và lan rộng đang trở nên gay gắt hơn mỗi ngày", ông Das cho biết.
Ông cũng lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt dầu ăn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá lương thực ở Ấn Độ leo thang nhanh chóng.
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, bao gồm cả dầu cọ và dầu đậu nành.
Hôm 3/5, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã công bố mức nâng lãi suất cao hơn dự kiến, với 0,25%, đưa tỉ lệ lãi suất của cơ bản ở nước này lên thành 0,35%. Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên của Úc trong hơn một thập kỷ qua.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp, từ 0,75% lên 1%, trong ngày 5/5.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn “án binh bất động”.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào cuối tuần qua rằng Hội đồng Thống đốc ECB đã không thảo luận về bất kỳ đợt tăng lãi suất dự kiến nào.
Minh Đức (Theo DW, CNBC)