Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tiền lệ, và các ngân hàng rồi đây phải tập tự “đứng” mà không có “Mạnh Thường Quân” trong và ngoài Nhà nước phía sau…
Những cuộc chia tay hẹn trước…
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là một trong những “đại gia” có động thái “dứt áo ra đi” sớm nhất. Là một trong những cổ đông sáng lập của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), ban đầu Vietnam Airlines giữ đến gần 20% vốn của Techcombank nhưng sau đó giảm dần và từ cuối năm 2011 chỉ còn nắm giữ rất ít.
Cuối tháng 6/2013, Vietnam Airlines bắt đầu triển khai các thủ tục để thoái vốn tại Techcombank theo lộ trình của đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2012-2015. Cuối tháng 8/2013, Vietnam Airlines công khai chào bán đấu giá toàn bộ cổ phần đơn vị này đang sở hữu tại Techcombank, bao gồm 24,033 triệu cổ phần và 827.847 trái phiếu chuyển đổi Techcombank có thời hạn 10 năm. Vietnam Airlines đã thu về hơn 369 tỷ đồng từ động thái thoái vốn cuối cùng này.
Một thương vụ thoái vốn đình đám khác mới vừa được hoàn thành trong tháng cuối cùng của năm 2013, đó là việc Tập đoàn Điện lực (EVN) rút vốn khỏi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). EVN từng là cổ đông lớn nhất của ABBank, nắm giữ hơn 102 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 21,27% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Sau cuộc đấu giá không thành hồi tháng 7/2013, EVN vừa bất ngờ thông báo đã dàn xếp và thỏa thuận xong việc bán 25,2 triệu cổ phần, tương đương 5,25% vốn ABBank cho một cổ đông lớn khác của ABBank đó là Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), thu về 252 tỷ đồng. Hiện EVN chỉ còn nắm giữ hơn 76,8 triệu cổ phiếu ABBank, tương đương 16,02% vốn điều lệ ngân hàng.
Hiện giờ, EVN chỉ còn giữ hơn 16% vốn điều lệ tại ABBank.
Cùng với việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank), tiến tới xóa bỏ thương hiệu DaiABank, Tổng Công ty Tín Nghĩa – cổ đông lớn của Ngân hàng này - đã chào bán công khai gần 79,8 triệu cổ phần DaiABank, tương đương tỷ lệ 25,7% vốn điều lệ của ngân hàng.
…và những sự rút lui dịu dàng
Không như những trường hợp thoái vốn đã “nằm trong lộ trình”, trường hợp Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) - cổ đông nắm giữ 14,88% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa quyết định rút khỏi ngân hàng này sau 7 năm gắn bó, trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên rút vốn khỏi ngân hàng Việt, đã gây bất ngờ cho không chỉ thị trường mà cả những người trong ngành. Cuối tháng 11/2013, OCBC đã chính thức bán xong gần 86 triệu cổ phần VPBank cho 3 nhà đầu tư cá nhân trong nước, với tổng số tiền thu về khoảng 55,5 triệu USD.
Ngoài ra, trong năm, gia đình ông Đặng Thành Tâm rút vốn khỏi Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). Nhóm các cổ đông cũ của Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) bán gần 85% vốn cho Tập đoàn Thiên Thanh (mua 9,67%) và 20 nhà đầu tư khác (số còn lại), để Ngân hàng này xuất hiện trên thị trường với tên gọi Ngân hàng Xây dựng, và sau sự kiện đình đám đó thì Ngân hàng này cũng chưa ghi dấu ấn nào trên thị trường ngân hàng và bất động sản…
Năm 2014, hoạt động thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng sẽ còn “tấp nập” hơn, đặc biệt là xuất phát từ “hạn chót” năm 2015 mà đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty đặt ra. Trước mắt, có thể thấy hàng loạt “nhiệm vụ”, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với khoảng 80 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn tại OceanBank. Hoặc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) tại Navibank, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Tập đoàn Bảo Việt tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt hay Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ở Ngân hàng Hàng hải (Maritimebank)...
Theo Pháp luật online