Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Theo đó, tại ĐHCĐ lần này, HĐQT ngân hàng Vietcombank sẽ tổng kết hoạt động năm 2019 và định hướng năm 2020.
Đại hội cũng sẽ bầu bổ sung thành viên BKS nhiệm kỳ 2020-2023. Cùng với đó là những thông tin về mức thù lao năm 2019 và kế hoạch trả lương năm 2020 cho HĐQT và BKS ngân hàng.
Nổi bật và quan trọng nhất trong các phần nội dung của đại hội lần này chính là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 2 tỷ USD.
Cụ thể, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank là hơn 37.088 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 18 cổ phiếu mới (tức tỷ lệ 18%). Nguồn vốn thực hiện sẽ được lấy từ lợi nhuận giữ lại đến hết ngày 31/12/2018.
Bằng kế hoạch này, ngân hàng dự kiến tăng thêm khoảng 6.676 tỷ đồng vốn điều lệ lên tối đa 43.765 tỷ đồng.
Thời gian chi trả có thể sẽ là trong quý III và IV của năm nay. Thời điểm cụ thể sẽ được HĐQT quyết định sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Bên cạnh kế hoạch này, Vietcombank cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 6,5% vốn điều lệ ngân hàng tại thời điểm chào bán cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính. Lãnh đạo ngân hàng cho biết có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của ngân hàng.
Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành thêm 241 triệu cổ phiếu (bao gồm 204,9 triệu đơn vị cho nhà đầu tư mới và 36,1 triệu đơn vị cho đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản để duy trì tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% vốn ngân hàng). Việc chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ bị hạn chế 1 năm (theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam) kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán .
Nếu đúng theo kế hoạch này, vốn điều lệ của ngân hàng Vietcombank sẽ tăng thêm khoảng 2.410 tỷ đồng.
Như vậy, nếu 2 kế hoạch trên thành công, vốn điều lệ của “ông lớn” Vietcombank sẽ tăng thêm 9.087 tỷ đồng lên 46.176 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD).
Vietcombank cũng công bố kế hoạch sử dụng vốn tăng thêm, trong đó dành khoảng 500 tỷ để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và xây dựng trụ sở làm việc… Phần còn lại được dùng để mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn.
Lãnh đạo ngân hàng giải thích, do Vietcombank đã đáp ứng chuẩn mực Basel II và một trong các trụ cột quan trọng là phải đủ vốn.
Hiện tại trong cơ cấu cổ đông của Vietcombank, cổ đông Nhà nước vẫn sở hữu 74,8% vốn điều lệ, bên cạnh đó ngân hàng có cổ đông chiến lược là Mizuho nắm 15%, GIC của Singapore nắm 2,55% và các cổ đông khác nắm 7,65% vốn.
Minh Lan