- Thưa ông, thực tế cho thấy hiện nay số lượng ngân hàng trong nước quá nhiều, trong đó nhiều ngân hàng năng lực yếu kém làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế?
Theo báo cáo của NHNN sau khi họp với 12 ngân hàng lớn cho biết, 12 ngân hàng này chiếm 85% tổng số tín dụng ở Việt Nam. Như vậy, còn khoảng hơn 30 ngân hàng Việt Nam và gần 50 ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chỉ chiếm có 15% tổng dư nợ trên thị trường. Do vậy, có thể thấy, hơn 30 ngân hàng trong nước của chúng ta ở quy mô rất nhỏ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Các ngân hàng nhỏ này do không huy động được nhiều vốn trong dân, buộc phải tìm cách đẩy lãi suất huy động lên để thu hút người gửi tiền. Vì ngân hàng này không có dịch vụ đặc biệt, không có phương pháp quản lý tốt cho khách hàng, nên đem lãi suất ra để làm dụng cụ huy động vốn. Do vậy, chính những ngân hàng nhỏ khởi động cho cuộc đua tăng lãi suất huy động. Ngân hàng lớn do lo sợ khách hàng rút vốn để gửi sang nơi có lãi suất cao hơn nên cũng phải tăng lãi suất để giữ khách hàng.
Việc cạnh tranh bằng lãi suất thế này sẽ khiến dòng vốn chạy vòng quanh, từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao rồi lại tiếp tục chạy sang nơi có lãi suất cao hơn nữa... chứ không có tác dụng huy động thêm được nguồn vốn trong nhân dân. Hậu quả là lãi suất cao đẩy chi phí, giá tiêu dùng lên, đẩy lạm phát lên... Đó là vấn đề ở Việt Nam, nó trái ngược với một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, ở Việt Nam lạm phát cao nên phải đẩy lãi suất cao để kìm chế lạm phát. Theo tôi, chính lãi suất cao đã góp phần đẩy giá tiêu dùng tăng lên, làm tăng lạm phát.
- Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nên được xem xét bắt đầu từ đâu?
Trong số hơn 30 ngân hàng nhỏ cần sàng lọc ra ngân hàng nào quản lý tốt, ngân hàng nào quản lý không tốt. Nếu ngân hàng quản lý tốt, phải giúp đỡ cho họ lớn mạnh hơn về công nghệ, con người, năng lực quản lý... Vấn đề còn lại là những ngân hàng quản lý không tốt, cần phân tích xem không tốt chỗ nào? Ví dụ như cho vay bất động sản quá nhiều, gây rủi ro cao, thu hồi tiền không được, thiếu thanh khoản thanh toán cho các chủ tài khoản...
Ngay cả trường hợp một số ngân hàng chưa thể tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng cũng cần lưu ý, nếu như vận động ít rủi ro, thanh khoản tốt thì vẫn là ngân hàng hoạt động tốt, nhưng cho dù ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 hay 6.000 tỷ đồng mà hoạt động nhiều rủi ro có thể đi đến tình trạng không đủ thanh khoản để giải quyết hoạt động thì vẫn nguy hiểm như thường. Cho nên cần phải thanh lọc những ngân hàng quản lý rủi ro không tốt.
- Vậy với những ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, quản lý rủi ro không tốt nên tái cấu trúc lại theo hướng nào?
NHNN cần phải tăng cường thanh kiểm tra xem ngân hàng nào khó khăn đến đâu để có hướng giải quyết đến đó.
Trước hết, cần giải quyết với những ngân hàng không có khả năng để thu hồi nợ. Tôi được biết, các nước trên thế giới, trong khi thanh tra, kiểm tra phát hiện ngân hàng đang đứng trên bờ phá sản, không đủ thanh khoản để giải quyết vấn đề hoạt động hàng ngày, ví dụ như ở Mỹ, ngân hàng trung ương đến đóng cửa ngân hàng và cơ quan bảo hiểm tài khoản sẽ trả cho mỗi chủ tài khoản 200.000 USD. Ở Việt Nam thì mỗi chủ tài khoản được chi trả 50 triệu đồng. Trường hợp này, NHNN là cơ quan quản lý nhà nước áp dụng luật bảo hiểm ngân hàng để thanh toán cho các chủ tài khoản được bảo hiểm theo luật pháp.
Nếu ngân hàng nhỏ cho những nhà vay nợ có đủ tài sản và có khả năng thanh toán được, nhưng tạm thời không có tiền mặt thì NHNN có thể cho ngân hàng nhỏ này vay tiền để giải quyết thanh khoản. Sau này, những khoản nợ thu lại được đem trả lại cho Nhà nước.
- Để tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, giải pháp cho ngân hàng nhỏ sát nhập với các ngân hàng lớn có là giải pháp khả thi?
Việc để các ngân hàng nhỏ sát nhập vào ngân hàng lớn không phải là điều dễ làm. Các ngân hàng lớn nếu muốn sát nhập các ngân hàng nhỏ thì cũng sẽ lựa chọn những ngân hàng đang hoạt động tốt để sát nhập. Họ không việc gì phải sát nhập những ngân hàng đang ở mức nguy hiểm để mang cục nợ vào mình. Bởi sát nhập những ngân hàng này nghĩa là ngân hàng lớn phải lãnh cả những khoản nợ khó đòi và nợ xấu của ngân hàng nhỏ. Cho nên, rất khó để nói đến vấn đề sát nhập đối với các ngân hàng đang ở mức nguy hiểm vào ngân hàng lớn đang hoạt động tốt.
Trường hợp phải sát nhập là các ngân hàng nhỏ không còn con đường nào khác, nếu không sát nhập thì cũng tự chết. Lúc đó, các ngân hàng đang hoạt động xấu thương lượng với các ngân hàng lớn khác, nhưng sẽ là với mức giá thực chất hiện tại. Ví dụ như ngân hàng này có vốn là 5.000 tỷ nhưng cho vay không đòi được, nợ xấu... chỉ còn đáng giá vài tỷ đồng thôi. Hoặc không muốn bị hậu quả về hình sự trong khi hoạt động có sai phạm... lúc đó thương lượng với ngân hàng lớn, nếu có lợi thì có thể các ngân hàng lớn có thể sát nhập theo hướng có lợi cho mình.
- Thưa ông, vậy thì có nên để các ngân hàng nhỏ sát nhập lại với nhau?
Hiện nay, chúng ta đang có hơn 30 ngân hàng nhỏ, nếu ngân hàng nào tự đứng một mình phát triển được thì cứ tự đứng mà phát triển. Còn nếu các ngân hàng nhỏ, mặc dù hoạt động còn tốt nhưng lường trước những khó khăn sắp tới có thể hội nhau lại tạo thành lực lượng mạnh hơn thì cũng nên sát nhập với nhau.
Tuy nhiên, những ngân hàng đang khó khăn, ốm yếu như nhau mà lại sát nhập với nhau thì lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, vấn đề này, NHNN cần phải có sự thanh tra, giám sát khách quan, nếu ngân hàng nào không thể hoạt động được nữa thì không nên để tồn tại làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Còn những trường hợp ngân hàng sát nhập lại mà có thể mạnh hơn thì NHNN cần có sự tư vấn, giúp đỡ cho các ngân hàng này sát nhập.
Theo tôi, có một số ngân hàng cần phải ngồi với nhau bàn bạc xem nợ xấu, nợ tốt sau khi cân đối có còn sống được hay không? NHNN sẽ là người tư vấn cho nhóm ngân hàng đó nhập lại với nhau, xem xét xem nhiều chi nhánh quá thì bỏ bớt, nhiều nhân viên quá thì giảm bớt nhân viên, nhiều nợ xấu quá thì tìm cách đòi. Trong lộ trình 5 năm, 10 năm, nếu ngân hàng mới này thiếu thanh khoản nhưng vấn có nợ tốt thì NHNN có thể cho vay thanh khoản để hoạt động...
- Có ý kiến cho rằng, NHNN có thể bỏ vốn mua cổ phần của ngân hàng nhỏ đang trong tình trạng nguy hiểm để nắm quyền quản lý?
Tôi cho rằng, NHNN không nên mua lại các ngân hàng kiểu này. Bởi không việc gì NHNN phải bỏ vốn ra để mua ngân hàng yếu. NHNN nên đi giám sát “sức khỏe” của các ngân hàng thương mại. Nếu ngân hàng nào yếu kém thì NHNN có biện pháp xử lý theo luật định để giúp các ngân hàng trở nên mạnh khỏe. Còn nếu ngân hàng quá yếu kém không “cứu chữa” được thì NHNN xử lý theo theo cách cho phá sản, đóng cửa...
Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM: Nếu ngân hàng nhỏ không đạt chuẩn, có hai cách xử lý. Thứ nhất là sát nhập lại. Tuy nhiên, nếu sát nhập ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn thì không dễ làm. Bởi liên quan về mặt chính sách, phải đồng bộ về chính sách thì lúc ấy mình làm mới tốt được. Đâu phải cứ phá sản hay sát nhập là nó tốt lên đâu. Cho nên, cái khó trước hết là khó về lý luận, vì vậy mình cần xây mô hình trước sau đó mới có thể tái cơ cấu. Hơn nữa, chắc gì ngân hàng lớn muốn cho ngân hàng nhỏ sát nhập, vì dại gì mà ngân hàng lớn đang làm ăn tốt lại đi ôm một đống nợ xấu của ngân hàng nhỏ. Hơn nữa, ngân hàng nhỏ cũng chưa chắc muốn sát nhập với ngân hàng lớn, bởi họ sẽ bị thiệt rất nhiều, mất cả chức vụ lẫn tên ngân hàng trên thị trường ngân hàng. Cho nên sát nhập được các ngân hàng với nhau phải có quá trình gặp nhau chứ không phải tự dưng mà làm được. |
Thế Toàn