Ngàn lẻ chuyện giúp việc - chủ nhà: “Mụ phù thủy” với chiếc đũa vạn năng

Ngàn lẻ chuyện giúp việc - chủ nhà: “Mụ phù thủy” với chiếc đũa vạn năng

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 2, 27/11/2017 13:00

Sự việc bé gần 2 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành ở Phủ Lý, Hà Nam đã khiến dư luận dậy sóng. Nhiều gia đình đang nhờ đến sự hỗ trợ của người giúp việc bỗng cảm thấy hoang mang lo lắng. Và cũng từ đó, nhiều câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giúp việc - chủ nhà được hé lộ.

Những người giúp việc thích... dựng chuyện

Sống tại một chung cư trên đường Thái Hà (Hà Nội), gia đình bà Nguyễn Thị Niêm (70 tuổi) có 5 thành viên gồm con trai, con dâu và 2 người cháu còn nhỏ tuổi. Nhà neo người, bà Niêm tuổi đã cao, hai người con bận bịu công việc kinh doanh từ sáng tới tối. Gia đình bà đã quen với việc có một người giúp việc sống ở nhà mình được hơn chục năm. Trong thời gian đó, gia đình nhà bà cũng trải qua quá trình tìm người giúp việc rất gian nan.

Cách đây gần nửa năm, sau khi người giúp việc cũ nghỉ việc, con dâu bà tìm người giúp việc mới. Từ đây, bắt đầu câu chuyện mẹ chồng nàng dâu “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, bà Niêm kể những ngày đầu mới về làm, cô giúp việc rất nhanh nhẹn, biết việc, lễ phép. Bà thấy rất ưng ý khi người con dâu tìm được một cô giúp việc tốt. Nhưng sự ưng ý chẳng được bao lâu, bà nhận thấy thái độ của con dâu có những thay đổi khác lạ. Cô bắt đầu có ý không nghe lời bà, hay cáu kỉnh. Bà Niêm âm thầm tìm hiểu nguyên nhân. Chính những câu chuyện buôn dưa lê của người giúp việc đã làm cho tình cảm giữa mẹ chồng nàng dâu bị rạn nứt.

“Ví như chuyện chăm sóc các cháu, con dâu tôi ra quy định cho người giúp việc cho trẻ ăn đúng giờ. Nhưng tôi lại cho cháu ăn theo sở thích và không có giờ giấc cụ thể nào. Thấy vậy, người giúp việc lại mách con dâu, thêm mắm, thêm muối biến tôi thành người bà sống không có khoa học. Và mâu thuẫn giữa tôi và con dâu ngày càng bị đẩy lên cao”, bà Niêm chia sẻ.

Gia đình - Ngàn lẻ chuyện giúp việc - chủ nhà: “Mụ phù thủy” với chiếc đũa vạn năng

 

Và khi bà chủ bỗng biến thành... ô sin

Chỉ trong 2 năm, nhà chị Hanh Nguyên (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã thay hơn 10 “đời” ô sin. Chị bảo, “thế hệ” giúp việc nào cũng để lại cho chị những “ấn tượng” khó phai mà nếu kể ra chắc phải nghìn trang giấy.

Chị Nguyên cho biết, chuyện ô sin nhà chị chẳng khác gì chuyện hài, ai nghe xong cũng cười chảy nước mắt. “Cao điểm” và đáng nhớ nhất phải kể đến người giúp việc hơn 40 tuổi chị thuê vào dịp Tết năm ngoái. Vì nhà có con sinh đôi nên mình chị Nguyên không thể cáng đáng nổi, vì vậy chị đành nịnh nọt người giúp việc với tiền lương gấp đôi ngày thường để người này đồng ý theo chị về quê chồng mấy ngày Tết.

Và chuyện “dở khóc dở cười” cũng từ đây mà ra...

Quê chồng chị Nguyên ở Bình Định, 1 tuần ở quê chồng ăn tết của chị bỗng biến thành “cơn ác mộng” vì người giúp việc. Ai đời giúp việc mà bữa ăn là “quẳng” em bé bắt chị bế với lý do: “Cô còn trẻ, ăn thế nào chả được. Người có tuổi chúng tôi phải cơm nóng canh nóng mới đảm bảo sức khỏe”, và thế là ô sin nhà chị “vô tư” ngồi chiếu trên “nhắm rượu” với các cụ, đến lúc ngà ngà thì tìm giường đi ngủ, bỏ mặc chị “1 nách 2 con”, đói hoa mắt mà không ăn nổi.

Không những thế, bà thường xuyên “nhờ” chị Nguyên giặt và lý do bà ấy đưa ra là: “Tôi quanh quẩn với con cô cả ngày chẳng rời ra được mà làm gì”. Đến giờ nấu cơm, chị Nguyên ngỏ ý bảo người giúp việc xuống giúp mẹ chồng chị nấu nướng thì nhận được tuyên bố xanh rờn: “Tôi về để giúp cô chăm bé chứ không phải để làm chân sai vặt”...

Thế nhưng khi mẹ chồng chị nấu nướng thì thỉnh thoảng bà lại kè kè bên cạnh chê rửa rau chưa sạch, nấu canh phải có thêm xương hầm mới ngon, kho thịt phải nhỏ lửa, không những thế thỉnh thoảng chị còn thấy bà giúp việc “nói móc” mẹ chồng chị.

Cứ thế, ngoài việc thỉnh thoảng bế em bé đi lê la hàng xóm “buôn dưa lê”, bà ô sin nhà chị mặc nhiên biến chị thành “ô sin” của mình, biến bố mẹ chồng chị thành “chân sai vặt” cho bà.

Chị Nguyên còn nghĩ, nhìn vào quyền hành trong nhà, phải nói người giúp việc mới là chủ. Nhiều lúc bị ức chế nhưng chị không dám to tiếng vì ô sin bây giờ đắt giá, ra ngoài sẽ có người nhận ngay, tìm người mới thì khó nên chị đành nín nhịn đợi qua tết khi “ngày rộng tháng dài” thì tính...

Ngoài thưởng tết còn phải có quà

Chị Mai (khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) mới thuê người giúp việc được 2 tháng. Chị Mai cho biết, người giúp việc nhà chị chỉ việc trông em bé 12 tháng tuổi, chiều đến thì đẩy xe cho bé đi chơi đồng thời ra trường đón bé lớn, trường cách nhà chưa đầy 200m. Ngoài ra không phải động chân vào việc nhà nhưng rất lười và chểnh mảng.

Chị Mai kể: “Buổi trưa tôi về tranh thủ cho bé bú thì cô ấy nằm ngáy khò khò. 14h bắt đầu làm việc nhưng hôm nào cũng gọi vài lần cô ấy mới thức giấc, đã thế lại lầm bầm ra điều ngủ không yên. Tôi thường thấy người giúp việc xem tivi cả ngày, để bé con trong cũi hoặc ngồi ghế tập ăn tự chơi. Tôi đã nhắc đi nhắc lại buổi sáng phải cho bé ăn 1 bữa sữa, 1 bữa bột và 1 bữa hoa quả, nhưng hôm nào “chăm” lắm thì cô ấy cho ăn được 2 bữa, còn đổ lỗi cho bé không chịu ăn. Nhiều lúc cô ấy nằm ghế xem tivi rồi ngủ quên, lúc bé khóc cũng để mặc”.

Nhà chị Huệ (Thụy Khuê, Hà Nội ) còn “thê thảm” hơn. Người giúp việc nhà chị được họ hàng ở quê giới thiệu, đã làm được hơn 10 tháng. Tiền lương mỗi tháng 5 triệu đồng nhưng bà không lấy theo tháng mà muốn vợ chồng chị cứ để cuối năm tính một thể. Vậy nên, năm hết tết đến cũng là lúc vợ chồng chị “vắt chân lên cổ” lo tiền trả lương cho ô sin.

“50 triệu tiền lương, lại tiền thưởng tết bà ấy đòi ngoài 1 tháng lương thứ 13 như công chức Nhà nước còn tiền thưởng tết riêng, rồi “gợi ý” thưởng thêm bằng bộ đồ chơi cho 3 đứa cháu của bà ở nhà.... Tính ra ngót nghét 60-70 triệu đồng”, chị Huệ bức xúc.

Đó là chưa kể ngày thường, thỉnh thoảng người giúp việc về quê, vợ chồng chị lại biếu 1-2 triệu đồng. Rồi còn thỉnh thoảng bà kêu “không có quần áo mặc” chị lại ngậm ngùi “xuất tiền”.

“Nhớ nhất là việc mấy hôm trước mình vào siêu thị thấy họ bán nhiều quần áo đẹp lại giảm giá nên mua cho bà 2 bộ. Vậy mà bà nguây nguẩy không nhận, chê xấu, đòi dẫn bà đi mua. Bà đòi vào shop chọn, cuối cùng chọn 2 bộ đồ mặc nhà, giá mỗi bộ hơn 600 nghìn đồng. Trong khi mình ở nhà mặc toàn quần áo vài chục nghìn.

Mỗi lần bà về quê, dẫn bà đi mua chút bánh kẹo về làm quà cho các cháu thì bà cũng chỉ chọn bánh kẹo ngoại, nhất quyết không mua bánh kẹo nội. Mình nhắc thì bà dỗi. Đến khổ vì ô sin”, chị Huệ phàn nàn.

Còn nữa...

Phong Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.