Theo lời kể của chị Kim Anh, 28 tuổi (Hà Nội), chị có một bé gái năm nay 2 tuổi, được mọi người nhận xét là xinh xắn, đáng yêu, nhưng mỗi lần nhìn bé con co rúm người lại khi gặp người lạ, ít nói, ít cười, trái tim chị lại như có ai cứa từng nhát dao bén ngọt. Chị giận mình, giận cái quyết định của hơn 1 năm trước bởi đó là nguyên nhân gây ra nỗi ám ảnh trong tuổi thơ của đứa con gái.
“Gia đình tôi phải thuê giúp việc từ khi con gái tôi được gần 7 tháng tuổi (thời điểm mà tôi phải quay lại công ty). Thu nhập của tôi lúc bấy giờ sau khi trả lương cho giúp việc cũng chỉ đủ tự lo cho bản thân tôi nên vẫn cứ quyết tâm đi làm. Sau những ngày liên tục phải đổi người giúp việc, cuối cùng tôi cũng thuê được một bà giúp việc “ưng ý”. Bà ấy nhanh nhẹn, hiền lành, thật thà, tuy chăm bé không đúng cách nhưng rất chịu khó. Bà này từng làm cho mấy nhà cùng khu và họ cũng có cùng nhận xét như gia đình tôi”, chị Kim Anh cho biết.
Sau gần 1 năm tranh thủ về nhà với con vào buổi trưa, chị Kim Anh nghĩ đã đến lúc con có thể ở nhà cả ngày mà không cần mẹ. Cả nhà chị đều thấy mọi chuyện thật ổn khi thuê được một bà giúp việc tốt.
Rồi con gái chị bắt đầu có những biểu hiện lạ: Đêm ngủ con hay giật mình dậy khóc, rối loạn giờ giấc sinh hoạt, mệt mỏi hơn, hay đánh ông bà, bố mẹ, hay căng thẳng và ném đồ ăn, người có nhiều vết tím...
“Cái ngày mà chồng tôi quyết định bí mật gắn camera ở trong phòng ngủ của con, khi ấy con gái tôi gần 17 tháng tuổi, tôi vẫn nghĩ có lẽ những biểu hiện bất thường của bé chỉ là do con đang trong giai đoạn thay đổi tự nhiên của lứa tuổi. Thế nhưng những hình ảnh camera ghi lại sau đó khiến tôi không tin vào mắt mình, vô cùng đau đớn. Tôi không thể ngờ rằng người phụ nữ có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu mà gia đình mình đặt hết niềm tin lại là kẻ gieo rắc nỗi đau, sự ám ảnh lên tuổi thơ non nớt của con gái tôi. Bà ta nhẫn tâm ném con gái bé nhỏ của tôi xuống giường như đồ vật, rồi cầm một quyển sách dày có bìa cứng liên tục đánh vào bàn tay bé. Bà ta còn cắn vào cánh tay, bế bé lên rung lắc điên loạn để ép bé ngủ.
Dù đã đuổi bà ta ra khỏi nhà ngay cái hôm phát hiện sự việc nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn luôn cảm thấy mọi việc chưa hề qua đi. Đến nay, tôi vẫn chưa một lần dám xem lại đoạn video đó. Trong đầu tôi cứ luẩn quẩn với câu hỏi: Hành động mất nhân tính kia đã xảy ra bao nhiêu lần trong gần một năm người giúp việc sống trong gia đình tôi? Bao nhiêu lần bé con của tôi gào khóc trong tuyệt vọng? Bao nhiêu ngày tôi cứ sống bình thản, vui vẻ, cứ bận rộn với những thú vui bên ngoài xã hội, những cuộc “buôn dưa lê” về thời trang, phim ảnh với đồng nghiệp vào buổi trưa trong khi con mình ở nhà đang chịu sự tra tấn. Rồi thấy con có biểu hiện lạ tôi còn mắng con hư, bực bội khi đi làm cả ngày tối con còn quấy khóc,... mà không biết rằng đó là thứ ngôn ngữ duy nhất con có thể dùng để nói với bố mẹ và người thân rằng “con đang gặp nguy hiểm, hãy cứu con”, chị Kim Anh trải lòng.
“Tôi tưởng rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho hành trang làm mẹ. Tôi đọc rất nhiều tài liệu về kiến thức mang thai và chăm sóc con nhỏ. Tôi nỗ lực hết sức để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và nấu cho con những bữa ăn phong phú... Thế nhưng tôi thậm chí còn chẳng đủ thông minh để sớm nhận ra rằng mình đã “sai lầm một cách hoàn hảo”. Chắc hẳn các bà mẹ đều biết, 3 năm đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất để hình thành nên nhân cách và trí tuệ, chưa kể đến sự hoàn thiện về hệ miễn dịch của mỗi con người. Thế nhưng đôi khi vì hoàn cảnh, chúng ta sẵn sàng giao những đứa bé non nớt cho một người không thân thiết, không hiểu biết và cũng không đủ thời gian để “kiểm duyệt” về đạo đức của họ”, chị Kim Anh day dứt.
TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 7 nguyên tắc “vàng” để chung sống hòa thuận Muốn tuyển một giúp việc/bảo mẫu tốt, an toàn, rất cần phải thực hiện các việc sau: 1. Kiểm tra sức khỏe: Điều này vô cùng cần thiết. Lý do là ngoài các bệnh bẩm sinh hay mãn tính, người giúp việc không sạch sẽ cũng sẽ tự tạo ra cho mình một số bệnh tật. Việc kiểm tra sức khỏe người giúp việc trước khi sử dụng có tác dụng loại bỏ các yếu tố gây bệnh cho con trẻ. 2. Kiểm tra ngôn ngữ thường nhật và các cách hành xử của người giúp việc/bảo mẫu trước khi nhận. Nếu người giúp việc nói ngọng, nói tục, chửi bậy, gia đình nên cân nhắc kỹ lưỡng. Một người giúp việc/bảo mẫu có thói quen xấu sẽ rất ảnh hưởng đến tính cách trẻ sau này. 3. Ký hợp đồng lao động trực tiếp tại các văn phòng luật sư dưới sự chứng kiến của các đại diện. Điều này có vẻ như kỳ lạ nhưng thực tế lại có tác dụng tránh những vấn đề xấu xảy ra. Trong các hợp đồng, chủ nhà nên ghi rõ những yêu cầu bắt buộc như: Không bạo hành trẻ, không dạy trẻ những thói quen xấu. 4. Đưa người giúp việc ra cơ quan đăng ký tạm trú tạm vắng làm thủ tục trước khi nhận. Một cơ quan quản lý dù chỉ đơn giản là quản lý tạm trú tạm vắng cũng sẽ là nơi đảm bảo cho gia đình khi có sự cố bất thường. Tại cơ quan đăng ký tạm trú tạm vắng, đề nghị người giúp việc/bảo mẫu xuất trình giấy tờ tùy thân. Xác nhận nhân thân của người giúp việc rõ ràng tại cơ quan đăng ký tạm trú tạm vắng. 5. Hướng dẫn người giúp việc làm các công việc chăm sóc trẻ nhỏ. Các công việc chăm sóc trẻ cần được thống nhất trong toàn thể gia đình. Nếu người giúp việc làm không đúng, cần có luật lệ phạt để họ tuân thủ cho chính xác. 6. Đề nghị người giúp việc/bảo mẫu đọc kỹ các điều luật quy định trong luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nếu người giúp việc/bảo mẫu biết việc đánh trẻ sẽ bị trả giá trước pháp luật, sẽ hạn chế được rất nhiều các vụ việc đáng tiếc. 7. Bố trí lịch nghỉ ngơi để người giúp việc/bảo mẫu được thư giãn, tránh trường hợp stress, dễ gây hại cho trẻ em. |
Kim Dao