Nhận xét về dòng phim về đề tài hình sự trong thời gian qua, Trung tá, nhà văn, nhà báo Đào Trung Hiếu – (một người đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề điều tra hình sự) nói: “Việc đánh giá, nhìn nhận cái được và chưa được của một tác phẩm điện ảnh hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, cũng phải dựa trên hai khía cạnh: nội dung và hình thức. Về dòng phim hình sự trên truyền hình công chiếu gần đây, về nội dung có thể thấy đã phản ánh tương đối chi tiết, khá sinh động về cuộc sống, công việc của lực lượng CSHS.
Nhiều bộ phim đã đưa ra những cốt chuyện khá ly kỳ, gay cấn. Đội ngũ biên kịch, đạo diễn và diễn viên trong phim đã dụng công mô tả tính khốc liệt của cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm hình sự, qua những trường đoạn diễn tả các cuộc đấu mưu, đánh bắt tội phạm, đấu tranh tâm lý của nhân vật…
Về hình thức, những thủ pháp nghệ thuật trong phim bước đầu đã có những thành công, khắc họa được hình tượng nhân vật khá rõ nét. Tuy nhiên, với tư cách là khán giả trong nghề CSHS, chúng tôi thấy một số phim CSHS chiếu trên truyền hình vẫn có “hàng tấn sạn”.
Chẳng hạn, về nội dung câu chuyện, còn tồn tại khá nhiều những kết cấu chuyện lỏng lẻo, chưa tới, không logic theo sự phát triển của sự kiện và tâm lý nhân vật, không thỏa mãn đòi hỏi của người xem. Những câu chuyện như vậy, xem tập 1 đã có thể đoán được tập cuối, theo mô típ “ta thắng địch thua, thiện thắng ác thua”.
Thực tế sinh động hơn nhiều, không phải mọi cái kết đều có hậu như vậy. Tất nhiên, viết phim hình sự là rất khó, vì phải tránh những vấn đề mang tính thủ pháp nghiệp vụ của ngành. Nhiều nhà biên kịch không biết xử lý tình huống khó khăn này thế nào, đã chọn cách hoặc là bỏ lửng (dẫn đến việc câu chuyện hời hợt, chưa tới), hoặc là cứ mô tả thật đậm biện pháp mà Công an đã làm để bắt được tội phạm, như vậy là lộ nghiệp vụ, bị cấm. Họ không biết cách lái vấn đề ra khỏi “góc chết” ấy.
Nhiều tình tiết chuyện vì nhà biên kịch tưởng tượng ra, lại không hiểu về nghề hình sự, nên rất ngô nghê và buồn cười. Thêm nữa, ngoài những pha đánh bắt, bàn mưu (nhiều khi chưa tới, mưu kế hời hợt), thì mảng tâm lý nhân vật (Công an và tội phạm) chưa được khai thác sâu, chỉ thoảng qua kiểu “chuồn chuồn đạp nước”, nên tạo ra những câu chuyện lỏng lẻo, nhân vật mang dáng dấp “robot” chứ không phải con người bằng xương bằng thịt. Tôi xin nhấn mạnh rằng, các chiến sỹ CSHS họ cũng là con người như bất kỳ ai, cũng có đầy những sắc thái tâm lý khác nhau khi đứng trước công việc, cũng có nhu cầu đời thường như mọi người. Việc mô tả họ theo kiểu tô hồng một chiều, “lên gân lên cốt” thái quá, biến họ thành cỗ máy vô hồn, chỉ biết đến công việc, đến pháp luật. Điều này rất vô lý, bởi vì chúng tôi không thế.
Đây cũng là lý do CSHS “xịn” không muốn xem phim làm về mình, chúng tôi hay gọi đùa đó là phim: “Cảnh sát hình như là sự”. Về nghệ thuật thì còn nhiều chuyện hơn nữa. Chúng tôi rất “dị ứng” khi xem các “ông hình sự” trong phim diện đồ Cảnh sát và đội mũ kepi 24/24 giờ, xong việc là ăn…mỳ tôm; cứ động bắt phạm là rút súng chĩa vào đầu đối tượng; nói năng với nhau thì như đọc nghị quyết, mở miệng ra là đồng chí này nọ…Chưa hết, lưu manh giang hồ mà thông tuệ như học giả, nói chuyện uyên bác chẳng kém giảng viên đại học…Thực tế không vậy. Lính hình sự nhiều khi phải giống tội phạm hơn cả tội phạm, còn đối tượng đấu tranh của họ, đa phần là loại người thô lỗ, cục cằn, kẻ phạm tội dù có tinh quái đến đâu chúng vẫn mang dáng dấp, biểu hiện của người “lệch chuẩn”.
“Giải mã” những tồn tại này, Trung tá Đào Trung Hiếu nói: “Việc tồn tại những “đống sạn” này trong phim, có nhiều nguyên do. Trước hết tôi cho rằng vì đề tài ANTT mang tính khu biệt, nghĩa là không phải ai cũng có thể tiếp cận với nó. Khó khăn khách quan là cả nhà biên kịch lẫn đạo diễn, diễn viên của chúng ta ít có điều kiện để trải nghiệm trong lĩnh vực này, nên việc thiếu “phông” kiến thức cần thiết về lĩnh vực này là đương nhiên. Làm phim hình sự mà chưa hiểu ngọn ngành thế nào là CSHS thì phim hay sao được. Về thế giới tội phạm, họ cũng mường tượng là chính, qua chất liệu báo chí hay phim ảnh trước đó, chứ chưa có trải nghiệm bản thân trong thế giới đó…nên mọi sự hình dung, đều không “cập” được với thực tế cuộc sống.
Về nguyên nhân chủ quan, tôi cho rằng một số nhà biên kịch cho dòng phim này còn “non” tay, cả về “phông” kiến thức lẫn kinh nghiệm sáng tác. Nếu nhà biên kịch là người có vốn sống, sự trải nghiệm và có kiến thức hay trải nghiệm trong lĩnh vực ANTT thì tác phẩm sẽ gần với thực tế hơn. Những vấn đề phản ánh trong phim sẽ mang hơi thở của cuộc chiến đấu trên thực địa của người chiến sỹ CSHS, người lính khi xem phim mới thấy “có mình trong đấy” được.
Ngoài ra, cũng phải nói đến vai trò của lực lượng cố vấn chuyên môn cho các bộ phim, tôi cho rằng nếu nhà làm phim biết mời ngay chính những người lính CSHS làm cố vấn cho bộ phim của mình, sẽ cho ra đời những tác phẩm hay hơn. Đừng quan trọng chức vụ hay cấp hàm của vị cố vấn cho phim, mà nên quan tâm vị đó có trưởng thành từ lực lượng hình sự hay không. Chỉ người trong cuộc mới có thể nói rõ nhất về công việc của mình.
Từ những tồn tại nói trên, để phim hình sự “giữ mắt” khán giả, theo Trung tá Hiếu cần đổi mới tư duy làm phim hình sự cả về nội dung và hình thức. “Trước hết là công tác biên kịch, phải xây dựng được những kịch bản hay về cốt truyện, với những nút thắt không thể đoán trước, bởi đời sống hiện thực trong lĩnh vực ANTT luôn chứa đựng đầy sự phức tạp, gay cấn khó lường. Nhà biên kịch phải đào sâu suy nghĩ, lao động nghiêm túc hơn nữa. Quá trình viết kịch bản nên có sự tư vấn của những người trực tiếp làm nghề.
Có thế mới loại trừ được sự “ngô nghê” trong lời thoại, hành động, diễn xuất. Có thế mới đưa vào được trong phim những xung đột tâm lý, diễn biến nội tâm của nhân vật ở cả 2 phía – chính diện và phản diện, để bộ phim đó sống động và thực tế hơn. Cần loại bỏ ngay những suy nghĩ giản đơn một chiều về cuộc chiến đấu này. Khán giả bây giờ rất “cảnh giác” với những “son phấn” trát chít cẩu thả trên phim. Hãy làm phim trên giấy đúng như thực tế cuộc sống. Đừng né tránh những “góc khuất”, “mặt trái”, bởi nếu dám nói, dám đưa ra và xử lý tốt, người xem sẽ hiểu được sự cam go, khốc liệt của cuộc chiến đấu chống tội phạm, từ đó có thái độ ủng hộ hơn, thêm tin yêu những chiến sỹ CSHS chân chính.
Đối với đạo diễn phim hình sự, họ cũng cần phải hiểu sâu về nghề này qua sự tích lũy tri thức từ nhiều con đường khác nhau. Đặc biệt khi làm phim, nên mời ngay những người lính cố vấn cho mình, chứ không cần tìm đâu xa. Tôi tin, nếu làm được những điều này, phim hình sự Việt sẽ rút ngắn được khoảng cách với phim cùng dòng của nước ngoài và “giữ mắt” khán giả, vì đây là đề tài hấp dẫn người xem hơn cả” – Trung tá, nhà văn, nhà báo Đào Trung Hiếu tư vấn.
Trung tá, nhà văn, nhà báo Đào Trung Hiếu nguyên là Đội phó Đội 14, Phòng PC45 Công an thành phố Hà Nội. Năm 2009 và năm 2013 anh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2013 nhận được Bằng khen của Bộ Công an. Tiểu thuyết "Bão ngầm" của anh đã đoạt giải A tại cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức trong 3 năm 2012-2015. Hiện nay anh đang chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Bão ngầm” thành series phim CSHS cùng tên với 45 tập. |
Trần Phương