Theo báo cáo của bộ Tư pháp, năm 2017, tổng số tiền của Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa là 32,82 tỷ đồng nhưng người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại chỉ hoàn trả 166,6 triệu đồng. Con số khập khiễng này theo luật sư Phạm Công Út (đoàn luật sư TP.HCM – người tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông Huỳnh Văn Nén) cho rằng nguyên nhân một phần là do lỗ hổng trong vấn đề bồi thường Nhà nước.
Luật sư Phạm Công Út phân tích, thực tế, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, kèm các văn bản hướng dẫn.
“Tôi đã kinh qua nhiều vụ án làm sai lệch hồ sơ, dùng nhục hình nhưng bản án không tuyên về trách nhiệm bồi thường của các bị cáo trước tòa. Bản án dù có hiệu lực nhưng vẫn khiếm khuyết về nghĩa vụ hoàn trả của người gây ra oan sai do cố ý. Đúng ra những người cố ý gây ra sai phạm phải hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho công dân”, vị luật sư này nhấn mạnh.
Dẫn chứng thực tế mà vị luật sư này kinh qua, ông cho biết: “Lỗi cố ý phải bồi thường toàn bộ thì lại phải dựa vào quyết định của cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền yêu cầu người gây oan sai phải bồi thường. Cơ quan này là hội đồng xét xử, cơ quan điều tra, viện kiểm sát đối với tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, bức cung nhục hình gây ra oan sai.
Qua điều tra, người ta sẽ xác định là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là do thiệt hại về vật chất (Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường). Thông thường các vụ án dùng nhục hình sẽ đi sau quyết định bồi thường của Nhà nước. Việc xử lý người làm oan sai phải đi sau. Khi xác định thiệt hại để định khung, tòa án, viện Kiểm sát phải có trách nhiệm đề nghị bị cáo có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền Nhà nước đã bồi thường. Tuy nhiên, thực tế các bản án tuyên về dùng nhục hình không tuyên về phần này.
Về mặt hành chính, người ta chỉ trừ vào lương, mức trừ rất thấp. Vì thế, việc hoàn trả ít là điều diễn ra nhiều năm nay”.
Luật sư hy vọng khi luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực không chỉ là việc hoàn trả của các cá nhân gây sai phạm thay đổi mà những người yêu cầu bồi thường cũng bớt gian nan.
Thuế, đất đai, xử lý vi phạm hành chính phát sinh nhiều vụ việc bồi thường
Báo cáo của bộ Tư Pháp cũng cho thấy, trong hoạt động quản lý hành chính, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 25 vụ việc, trong đó có 13 vụ việc thụ lý mới (tăng 2 vụ việc so với cùng kỳ năm 2016), đã giải quyết xong 13/25 vụ việc. Số tiền Nhà nước phải bồi thường là 12 tỷ 506 triệu 976 nghìn đồng (tăng 10 tỷ 395 triệu 812 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2016), còn 12 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc bồi thường là thuế, đất đai, xử lý vi phạm hành chính.