Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 319/2016/TT-BTC quy định việc xử lý chuyển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 sang năm 2017. Theo đó, đến hết ngày 31/1/2017, số dư dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, dự án không được chi tiếp và bị huỷ bỏ, trừ 4 trường hợp:
Thứ nhất, số dư dự toán các trường hợp được chuyển sang năm sau chi tiếp theo chế độ quy định (cơ quan có thẩm quyền không phải xét chuyển), gồm: Kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; kinh phí đảm bảo hoạt động của Kho bạc Nhà nước từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ; kinh phí giao tự chủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; kinh phí được trích để lại từ nguồn thu phí, lệ phí chưa chi của các tổ chức thu phí, lệ phí. Kinh phí giao tự chủ của các cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ trong thời gian thực hiện được cấp có thẩm quyền giao hoặc hợp đồng ký kết với chủ nhiệm chương trình. Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở; kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và kinh phí bảo trợ xã hội được tiếp tục sử dụng theo chế độ quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành. Kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia , chương trình mục tiêu được cấp có thẩm quyền giao bổ sung trong năm 2016.
Thứ hai, số dư dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ, gồm: Vốn đầu tư các dự án được cấp có thẩm quyền giao bổ sung sau ngày 30/6/2016 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 77/2015/NĐ-CP; Vốn đầu tư các dự án đặc thù được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2017.
Thứ ba, số dư dự toán kinh phí ngân sách của các trường hợp được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho chi tiếp vào năm 2017. Đối tượng được xét chuyển, gồm: Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền giao bổ sung sau ngày 30/6/2016 (không bao gồm các khoản bổ sung do các đơn vị dự toán cấp trên điều chỉnh dự toán đã giao của các đơn vị dự toán trực thuộc) ; Kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, phòng trừ dịch bệnh; Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chế độ yêu cầu chỉ được thanh toán đủ khi có kết quả nghiệm thu sản phẩm và thanh lý hợp đồng; Chi mua sắm, sửa chữa trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng ký trước ngày 31/12/2016; Chi mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia; Vốn đối ứng (kinh phí thường xuyên) các dự án ODA, viện trợ không hoàn lại; Kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Các trường hợp cần thiết khác.
Thứ tư: Các khoản vốn viện trợ không hoàn lại đã xác định được nhiệm vụ chi cụ thể thực hiện theo quy định của Luật NSNN và Thông tư số 108/2008/TT-BTC.
Theo Tổng cục Thống kê, chi NSNN từ đầu năm tới thời điểm 15/12/2016 ước tính là 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó một số khoản chi thường xuyên như chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4%; hay chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9%; trong khi đó chi đầu tư phát triển mới chỉ đạt 190,5 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7%. Điều này có nghĩa rằng đến chậm nhất cuối tháng 1/2017, gần 65 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển nếu không sử dụng hết, sẽ bị hủy bỏ và không được chi tiếp (trừ 4 trường hợp kể trên).
Khoản 2, Điều 62 Luật Ngân sách Nhà nước quy định toàn bộ các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước nộp trong năm sau phải hạch toán vào ngân sách năm sau. Các khoản chi ngân sách đến ngày 31 tháng 12 chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện trong năm sau thì được chi tiếp trong thời gian chỉnh lý quyết toán và hạch toán quyết toán vào chi ngân sách năm trước, nếu được chuyển nguồn để thực hiện thì hạch toán vào ngân sách năm sau. |
Minh Trang