Càng yêu càng... sa sút
Khu phòng trọ sinh viên gần kí túc xá Tân Phú trong khu vực ĐHQG TP.HCM lúc lên đèn bắt đầu trở nên nhộn nhịp hẳn. Mùi thức ăn nấu nướng bắt đầu toả ra từ các gian phòng. Trái với sự mường tượng về không khí ồn ào cho bữa ăn chiều quây quần của đám sinh viên, bữa ăn trong phòng trọ nhỏ của Ng.T.T, SV ĐHKHTN rất lặng lẽ.
Thực đơn đạm bạc, chỉ có rau muống luộc và quả trứng chiên với hành. Bên mâm cơm lót báo dưới nền đất chỉ có T.T. và bạn trai là Trần V.H., học cùng trường với T. Đã hai tháng nay, gia đình H. "cắt viện trợ" vì phát hiện ra con trai dọn đến sống thử với bạn gái, mải mê yêu đương bỏ bê học hành mà bị đình chỉ một năm học.
Gia đình yêu cầu H. phải tự đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí các môn học lại. Thế nhưng, ở khu vực ĐHQG trên địa bàn quận Thủ Đức, sinh viên muốn tìm việc làm thêm không dễ. Bởi thế, hai tháng nay H. "ăn ké" vào số tiền ít ỏi của T..
Số tiền 1,6 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải chi phí cho hai người trẻ với nhiều nhu cầu, thế nên chuyện họ ăn cơm rau muống trứng chiên hoặc một nồi thịt kho mặn ăn mấy ngày trời là bình thường. "Đợi khi nào gia đình em hết giận, tiếp tục chu cấp thì cuộc sống trở lại bình thường thôi mà", H. lạc quan.
Rất nhiều bài học về "sống thử" nhưng điều đó không khiến một bộ phận SV "chùn bước". (ảnh minh họa)
Nhưng bữa ăn kham khổ của T. và H. chẳng là gì so với đôi "vợ chồng" hàng xóm của họ. Mỹ Tr., học trường ĐHKHXH&NV, còn Minh H. học ĐH Thể dục thể thao, trường cách nhà trọ chừng 2 cây số. Mê cá độ, Minh H. đã hai lần cầm chiếc xe gắn máy hiệu Nouvo của mình, đến lần thứ ba thì gia đình không chuộc nữa. Thế là H. quay sang cầm nốt máy tính xách tay của "vợ".
Tuần tới, mẹ của Mỹ Tr. sẽ từ quê lên thăm con gái nên Minh H. phải lục đục dọn đồ sang phòng bạn ở để "phi tang bằng chứng". Đồng thời, cả hai đã vay mượn tiền để chuộc lại cái máy tính xách tay. "Vợ chồng H. và Tr. bây giờ nợ ngập đầu ở dãy phòng trọ này, hai đứa nó ăn mì gói trừ cơm nửa tháng nay rồi", hàng xóm của cặp "vợ chồng sinh viên", này kể.
Bạn cùng dãy phòng với Mỹ Tr. kể, trước kia Mỹ Tr. là sinh viên giỏi của khoa cô đang theo học, hai học kì liền nhận học bổng, nhưng từ khi yêu Minh T. rồi dọn đến sống cùng nhau thì Mỹ Tr. học hành ngày một sa sút, thậm chí còn tham gia chung đường dây cá độ với "chồng".
Theo lời Lê Th. D., cô bạn học cùng khoa với My Tr., thì dãy phòng trọ của cô có 8 phòng trọ, trong đó có 4 đôi sống thử. “Trong bốn cặp chỉ có cặp Trung - Linh học Khoa học xã hội nhân văn là vẫn giữ được “phong độ học tập”, còn lại ba cặp đều học hành sa sút. Theo mình, nguyên nhân không hoàn toàn ở chuyện sống thử.
Nhìn vào cảnh các bạn ấy sống sẽ hiểu vì sao: Sáng 10 giờ họ mới dậy, đi chợ, nấu ăn rồi ngủ đến tận chiều. Chiều lại loay hoay nấu ăn, tối thì chở nhau đi dạo, đi chơi. Thi thoảng mới thấy lên giảng đường. Tiền gia đình gửi vào cho ăn học thì 10 ngày đầu đã ăn tiêu hết béng, 20 ngày sau ăn toàn cơm rau với mì gói.
Thậm chí, các bạn ấy còn xin tiền học thêm Anh văn nhưng không học, lấy tiền rủ nhau đi xem phim, đi Đà Lạt, Vũng Tàu, hoặc lấy đem cá độ bóng đá hoặc đánh đề...”, D. nói.
Thiếu bản lĩnh, mất tương lai
Khu phòng trọ sinh viên trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn trước mặt Bến xe miền Đông là nơi tập trung sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ gần đó: Khoa học Xã hội nhân Văn, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Kĩ thuật công nghệ... Mỗi gian phòng chừng hơn 10m2, là nơi chứng kiến nhiều câu chuyện tình lâm ly của các bạn sinh viên.
Nhiều người trong khu nhà trọ còn nhờ Trịnh Thị Thanh N., cô bé xinh xắn sinh viên trường ĐH Văn hiến. Năm nhất lên, cô được gọi là “hoa khôi phòng trọ” với nước da trắng hồng, đôi mắt to đen láy, bao nhiêu chàng sinh viên chung quanh đó thi nhau đeo đuổi, tán tỉnh. Nhưng vừa bước vào học kì hai thì Thanh N. đã có người yêu là một chàng sinh viên học cùng trường.
Chẳng biết N. yêu đương kiểu gì mà suốt ngày dẫn anh chàng về căn phòng trọ mà N. đang ở chung với hai cô bạn gái nữa. Ngày thường, khi nấu ăn chung, N. vẫn đóng tiền thêm cho người yêu, thế là trưa nào Tuấn, người yêu của N. cũng ăn trưa rồi ngủ luôn tại căn phòng nhỏ của ba cô gái. Hai bạn gái chung phòng N. ngủ một góc, còn N. và Tuấn trải mảnh nệm nhỏ nằm một góc, cười rúc rích suốt buổi trưa.
Những ngày nghỉ lễ, bạn bè cùng phòng về quê thì N. đều ở lại, căn phòng thành “tổ ấm” của hai bạn sinh viên suốt thời điểm vắng người.
Đùng một cái, Tuấn thông báo đi du học rồi nhanh chóng từ biệt N. ra đi. N ở lại ngày càng xanh xao, ốm yếu, mẹ phải lên đón về, sau đó bỏ học về quê hẳn. Bạn bè chung quanh nói, N. có thai, phải về quê để “giải quyết” và gia đình không cho lên Sài Gòn học nữa. Ai cũng tiếc cho cô nữ sinh xinh đẹp, đáng ra tương lai rất rộng mở.
Rất nhiều sinh viên mà khi được hỏi đều có chung ý kiến, rằng tình sinh viên kì thực là đáng yêu, đáng nhớ, là điều đẹp đẽ của tuổi biết yêu, biết rung động. Nhưng đó là cách yêu trong sáng, cùng nhau phấn đấu. Đáng tiếc là rất nhiều sinh viên ngày nay đã “lậm” vào thứ tình mù quáng, yếu đuối, vật vã, để rồi đánh mất mình, đánh mất cả tương lai...
Theo số liệu được Thạc sĩ, Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ công bố tại một hội thảo diễn ra mới đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Hiện Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới. Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay thực trạng phá thai khi thai đã phát triển lớn ở vị thành niên đang trở nên phổ biến, chiếm hơn 10% trong tổng số ca phá thai và tập trung chủ yếu ở học sinh, sinh viên, thanh niên chưa lập gia đình.
Theo Pháp Luật Việt Nam