Ngành cà phê nỗ lực đổi mới để gia tăng thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc

Ngành cà phê nỗ lực đổi mới để gia tăng thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 7, 20/11/2021 10:00

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 46,28 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trà vẫn là thức uống truyền thống của Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi.

Phân khúc cà phê hòa tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng. Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa phương Tây của người tiêu dùng trung lưu đã góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan trên cả nước.

Theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê của nước này tăng với tốc độ hàng năm là 15%. Còn theo https://www.mordorintelligence.com, thị trường cà phê Trung Quốc dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,15% trong giai đoạn 2021 – 2026. Đại dịch Covid-19 không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê, bởi người dân chuyển sang tiêu thụ tại nhà nhiều hơn.

Kinh tế vĩ mô - Ngành cà phê nỗ lực đổi mới để gia tăng thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc

Trong 6 tháng đầu niên vụ 2020/21 (từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021), tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 3,7 triệu bao cà phê loại 60 kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 1,8 triệu bao. Do đó, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu cà phê (HS 0901) của nước này tháng 9/2021 đạt 53,84 triệu USD, tăng 62,4% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 387,76 triệu USD, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung cà phê cho Trung Quốc đa dạng, với khoảng 80 thị trường cung cấp. Trong đó, các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc gồm: Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil …

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này từ Guatemala và Ethiopia trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 49,8 triệu USD, tăng lần lượt 170,3% và 203,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Guatemala và Ethiopia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng lần lượt từ 8,33% và 7,09% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 12,84% và 12,28% trong 9 tháng đầu năm 2021.

9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 46,28 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm từ 12,34% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống 11,94% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Kinh tế vĩ mô - Ngành cà phê nỗ lực đổi mới để gia tăng thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc  (Hình 2).

Thị trường cà phê Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Do đó, để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thị trường cà phê khởi sắc những tháng cuối năm 

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 11, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03 trên Sở ICE US đã tăng 9,98% lên mức 230 cents/pound, cao nhất kể từ tháng 01/2012 đến nay.

Trong khi đó, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 01 trên Sở ICE EU cũng đã tăng mạnh gần 6% và có thời điểm đã vượt quá mốc 2.300 USD/tấn, lần đầu tiên để từ tháng 08/2011.

Giá cà phê tăng mạnh khiến dòng tiền của giới đầu tư trong nước cũng bị thu hút vào thị trường này. Theo Trung tâm Thanh toán Bù trừ MXV, giá trị giao dịch trung bình của 2 mặt hàng cà phê đạt hơn 800 tỷ đồng/phiên trong hai tuần đầu tháng 11, tăng gần 15% so với tháng 10. Bên cạnh dòng tiền đầu cơ, các doanh nghiệp cũng tích cực thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro khi chuẩn bị đến giai đoạn bán hàng sôi động nhất trong năm.

Những vấn đề về nguồn cung là nguyên nhân khiến lực mua tăng mạnh và đẩy giá hai mặt hàng cà phê lần lượt tăng vọt trong thời gian gần đây. Đối với cà phê Arabica, giá đã bắt đầu tăng khi hạn hán và sương giá tàn phá mùa vụ cà phê của Brazil. Trong báo cáo gần nhất, Cơ quan Cung ứng Quốc gia Brazil (Conab) đã cắt giảm ước tính sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2021/22 của nước này xuống mức 30,7 triệu bao (loại 60kg), giảm 8% so với báo cáo gần nhất hồi cuối tháng 05.

Thời tiết khô hạn hồi cuối năm ngoái là nguyên nhân chính dẫn đến mức sụt giảm trên. Vì thế khi mà trung tâm khí tượng thủy văn Mỹ (NOAA) dự báo mô hình thời tiết La Nina sẽ mạnh lên trong 3 tháng tới, lo ngại về tình trạng hạn hán kéo dài tại khu vực Nam Mỹ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê một lần nữa khiến lực mua tăng mạnh.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), lũy kế 3 tháng đầu niên vụ 2021/22, xuất khẩu cà phê của Brazil đạt 8,817 triệu bao, giảm 20% so với 3 tháng đầu niên vụ 2020/21. Việc đồng Real Brazil tăng mạnh trong nửa đầu tháng 11 cũng khiến cho việc bán hàng của nông dân Brazil chậm lại, dấy lên lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt. Hiệp hội Cà phê Nhân xanh (GCA) cho biết, tồn kho cà phê tháng 10 của Mỹ giảm xuống còn 5,98 triệu bao, giảm -0,8% so với tháng trước và -2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh Brazil, nguồn cung tại Colombia, quốc gia sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới, cũng không được đảm bảo. Hiệp hội những nhà sản xuất cà phê Colombia đã cắt giảm ước tính cà phê niên vụ 2021/22 của nước này xuống mức 13 – 13,5 triệu bao, thấp hơn mức 14 triệu bao trong ước tính trước đó do lượng mưa dư thừa khiến năng suất thấp hơn dự kiến. Những tin tức này đã hỗ trợ giá cà phê Arabica phá kháng cự và bật tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.

Đối với cà phê Robusta, nguồn cung vẫn đang thấp hơn so với một năm trước. Tình trạng thiếu container và chuỗi cung ứng đứt gãy do đại dịch Covid-19 quay trở lại đã khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, sụt giảm.

Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 99.249 tấn cà phê trong tháng 10, giảm 1,1% so với tháng trước. Bên cạnh đó, lũy kế xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay của Việt Nam cũng đang thấp 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình còn trở nên tệ hơn nữa khi vào tháng 11 này, mưa lớn tại khu vực Tây Nguyên đang cản trở việc thu hoạch và gây ảnh hưởng đến chất lượng của hạt cà phê. Điều này sẽ khiến cho tiến độ thu hoạch chậm hơn và đợt hàng cà phê mới sẽ không thể đến trước cuối tháng 12 năm nay. Thông tin trên đã hỗ trợ và khiến cho giá Robusta leo lên mức kỷ lục trong vòng 10 năm gần nhất.

Hương Anh (tổng hợp) 



Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.