Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, mặc dù chỉ tăng 5,7% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 15,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%).
Trong các nhóm ngành xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 132,42 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,6%...
Theo báo Công Thương, trong báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, trong Top 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,01 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, đánh giá, ngành điện tử 10 năm liên tiếp đứng đầu kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỉ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Thống kê cho thấy, quý I/2024, xuất khẩu điện tử đạt 30,5 tỷ USD, xuất siêu 4,2 tỷ USD. Đây là “con số biết nói” khi ngành đã đóng góp lớn vào thặng dư ngoại tệ cho đất nước.
Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 2 về nước xuất khẩu điện thoại không dây, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính. Con số ấn tượng, tự hào, nhiều quốc gia phải ngưỡng mộ. “Nhiều lần tôi sang Ấn Độ làm việc với họ đều thấy rằng họ rất ngưỡng mộ Việt Nam, nhiều chính sách về phát triển điện tử của Việt Nam cũng được Ấn Độ học tập", bà Thuý Hương nói.
Đưa ra nhận định Việt Nam là một thị trường “hot” và đang là mục tiêu hàng đầu cho sự mở rộng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc, ông Wilson Wu, Phó chủ tịch của Global Sources, cho hay đến nay Trung Quốc nhập khẩu linh kiện điện tử nhiều nhất từ Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ.
Theo đánh giá, ngành sản xuất điện tử Việt Nam so với Trung Quốc có nhiều đặc điểm nổi trội như dựa vào lắp ráp, nhiều xưởng lớn đầu tư và đặt nhà máy tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy lắp ráp tại Việt Nam.
“Thời cơ đối với Việt Nam đang lớn khi các doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu đang dần chuyển dịch sang Việt Nam do thị trường có nhiều lợi thế”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Wilson.
Tuy vậy, bà Đỗ Thị Thúy Hương cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam, mảng R&D, Việt Nam chưa tham gia được nhiều trong chuỗi phân phối toàn cầu gồm phân phối linh kiện, phụ kiện. Doanh nghiệp Việt chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp.
“Lợi nhuận của ngành điện tử (cũng giống như ngành may mặc và da giày) tham gia vào quá trình lắp ráp cuối cùng ở Việt Nam là khoảng 5 – 10%. Điều này có nghĩa mặc dù có khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu là tương đối nhỏ”, bà Thuý Hương cho hay.
Ngành điện tử Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Việt Nam hưởng lợi bởi sự cạnh tranh gay gắt công nghệ Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, sự chuyển dịch của nhà đầu tư sang Việt Nam là xu hướng, song lợi thế nắm bắt được hay không tùy thuộc vào doanh nghiệp.
Cơ hội bứt phá sẽ đến với những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ và vận dụng thế mạnh để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. “Hy vọng trong tương lai không xa, công nghiệp điện tử bứt phá có giá trị cao hơn chuỗi cung ứng như thiết kế, marketing, nhích dần lên trên đường cong nụ cười”, bà Thuý Hương bày tỏ.
Minh Hoa (t/h)