Ngành thực phẩm và đồ uống nước Anh đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguồn cung khí CO2. Tình trạng thiếu hụt CO2 bắt nguồn từ việc giá khí đốt tăng vọt đã khiến các nhà máy sản xuất phân bón nước này phải tạm ngừng hoặc cắt giảm sản lượng.
Nhà máy phân bón không chỉ quan trọng đối với sản lượng cây trồng mà còn là nguồn cung cấp CO2 chính, vốn đóng vai trò thiết yếu trong ngành giết mổ gia súc và ngành đồ uống có gas.
Hàng loạt nguồn cung CO2 đóng cửa
Giá khí đốt ở châu Âu nói chung cũng như ở Anh nói riêng đang chứng kiến sự leo thang lên những mức mới và tăng phi mã lên trong những tuần gần đây. Các nhà phân tích cảnh báo giá khí đốt tiếp tục tăng khi mùa đông đang đến gần, cộng với lượng khí đốt dữ trữ ở mức thấp kỷ lục.
Vào ngày 17/9, tập đoàn Yara International, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới đến từ Na Uy, cho biết sẽ giảm hoạt động sản xuất tại một số cơ sở ở Anh và các nước Liên minh châu Âu do mức giá cao kỷ lục của khí đốt đang bào mòn lợi nhuận của quá trình sản xuất ammonia. Ammonia được sản xuất bằng cách trộn lẫn khí nitrogen với khí hydrogen từ khí thiên nhiên, là một thành phần thiết yếu của phân bón ammonium nitrate và phân urê.
Tập đoàn Yara International cũng cho biết thêm rằng từ tuần sau các cơ sở ở Hà Lan, Ý, Anh, Pháp sẽ dừng sản xuất khoảng 2 triệu tấn ammonia. Như vậy, con số cắt giảm tương đương với khoảng 40% trong tổng sản lượng 4,9 triệu tấn ammonia hàng năm của tập đoàn này ở châu Âu. Các nhà máy Yara International trụ sở tại Na Uy và Đức cũng đã dừng hoạt động để bảo dưỡng. Tập đoàn cho biết thời gian của kế hoạch cắt giảm sản lượng còn tùy thuộc vào diễn biến giá của hai nguyên liệu chính để sản xuất ammonia là khí thiên nhiên và khí nitrogen.
Vào ngày 15/9, CF Industries, Tập đoàn phân bón đến từ Mỹ, cũng thông báo buộc phải dừng hoạt động tại 2 nhà máy sản xuất phân bón ammonium nitrate ở Anh vì lý do tương tự.
Trước tình trạng các nhà máy phân bón liên tiếp đóng cửa, Anh được dự báo là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì hai nhà máy phân bón CF Industries cung cấp đến 60% sản lượng CO2 nước này.
Tại sao khan hiếm CO2 gây ra gián đoạn sản xuất thực phẩm và đồ uống?
CO2 có vai trò quan trọng để gây ngạt động vật trước giai đoạn giết mổ tại các tại nhà máy sản xuất thực phẩm. Các công ty bia, nước giải khát khắp châu Âu cũng đang lo lắng vì CO2 kết hợp với hương liệu trong nước ngọt có ga tạo nên vị chua đặc trưng cho sản phẩm. Hoạt động sản xuất của họ có thể bị đình trệ vì thiếu CO2.
Ngoài ra, CO2 cũng được sử dụng để đóng gói bảo quản thực phẩm như thịt và xà lách trên kệ hàng lâu hơn. Vấn đề thiếu hụt này càng trở nên nghiêm trọng khi chuỗi cung ứng ở Anh đang đứt gãy do thiếu tài xế xe tải. Bởi CO2 được sử dụng phổ biến cho đá khô dùng để vận chuyển hàng đông lạnh.
Ian Wright, Giám đốc điều hành Hiệp hội đồ uống và thực phẩm Anh, bày tỏ quan ngại rằng: “Người tiêu dùng có thể đối mặt với ít sự lựa chọn đồ uống và thực phẩm hơn trên kệ hàng siêu thị nếu nguồn cung CO2 không phục hồi nhanh chóng”. Trong khi đó, Francois Sonneville, nhà phân tích Ngân hàng Rabobank, cho rằng các hãng bia đã bắt đầu hạn chế sản lượng do lợi nhuận thấp.
Dự đoán về tình hình sắp tới
Theo Nick Allen, Giám đốc điều hành BMPA, cho biết rằng Chính phủ đã yêu cầu thu thập dữ liệu về các tác động của thiếu khí CO2 đối với các nhà sản xuất thịt. BMPA thông tin rằng họ đã tổ chức các cuộc đàm phán với chính phủ từ cuối ngày thứ Năm 16/9 và vẫn đang tiếp tục.
Người đại diện Chính phủ Anh cũng khẳng định: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi đã liên lạc với một số tổ chức ngành công nghiệp, thực phẩm, nông nghiệp để nắm bắt và giúp họ quản lý tình hình hiện tại”.
Mặc dù trước những quan ngại về tình hình hiện tại, Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhận định rằng tình trạng thiếu CO2 có thể chỉ là tạm thời và sẽ không tác động lớn đến những hãng bia và đồ uống danh tiếng như Carlsberg, Anheuser-Busch InBev hay Coca-Cola European Partners. Cơ quan cho rằng các công ty thực phẩm và giải khát đã nâng công suất dự trữ CO2 sau cuộc khủng hoảng thiếu CO2 tương tự ở châu Âu vào năm 2018.
Phạm Thu Thanh (theo Sky News, Financial times, Bloomberg)