Ngành dệt may: Tìm cơ hội trong tình cảnh khó khăn

Ngành dệt may: Tìm cơ hội trong tình cảnh khó khăn

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 4, 26/07/2023 07:00

Ngành Dệt may được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, đây chính là thời điểm vàng để DN khắc phục những bất cập cốt lõi đang tồn đọng.

Khó khăn bủa vây ngành dệt may

Theo BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam, bước vào năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, Châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành Dệt May Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, các quốc gia trên thế giới đã phải có các chính sách hỗ trợ thị trường phục hồi như giảm giá đồng nội tệ (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), chính sách hỗ trợ trực tiếp với doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất thông qua nguồn vốn, vận tải…

Trong khi đó, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nếu xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn các quốc gia xuất khẩu khác, trước hết là đồng tiền Việt Nam mạnh lên trong quý I vừa qua, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu, kể cả Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực từ chi phí đầu vào. Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), từ cuối năm 2022 đến nay, giá bông khá ổn định, chủ yếu giằng co với biên độ nhỏ trong khoảng 1.800-1.900 USD/tấn.

Giá bông giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) tính đến hết ngày 18/07 ở mức 1.847 USD/tấn, giảm gần 1,5 lần so với mức giá cao gần 2.700 USD/tấn được ghi nhận hồi tháng 8 năm ngoái.

Giá bông ổn định ở mức thấp xuất phát từ cả hai phía cung và cầu trên thị trường. Về phía cung, sản lượng bông dần hồi phục sau những tác động hạn hán tại vùng canh tác bông chính của Mỹ hồi giữa năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu về bông hồi phục không như kỳ vọng của thị trường do kinh tế thế giới diễn biến ảm đạm. Đặc biệt, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới vẫn đang cho thấy tốc độ phục hồi chậm sau khi gỡ bỏ chính sách "Không COVID," kéo theo hoạt động nhập khẩu bông cũng kém tích cực.

Trao đổi với Vietnam+, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, nhận định: “Kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự phục hồi không như kỳ vọng của Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là trở ngại lớn trong việc gia tăng nhu cầu đối với mặt hàng bông. Do đó, giá bông có thể duy trì xu thế giằng co trong khoảng thời gian tới.”

Giá bông ổn định vốn là điều tốt đối các quốc gia nhập khẩu bông lớn như Việt Nam. Nhưng vấn đề là giá giảm mạnh đột ngột từ mức cao xuống thấp và không có dấu hiệu hồi phục khiến cho các doanh nghiệp dệt may đã ôm hàng trước đó không kịp trở tay.

Chênh lệch giá như vậy khiến chi phí cho sản xuất hàng dệt may trong nước còn ở mức cao so với các quốc gia khác (quốc gia không bị phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào như chúng ta), gây cản trở đến việc đón nhận các đơn đặt hàng.

Theo chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu, những khó khăn kéo dài từ quý 3/2022 đến nay, do nhu cầu tiêu dùng thấp, giá giảm sâu do giá bông, nguyên liệu chính của ngành sợi đã giảm rất mạnh.

Khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại, ngành sợi trong nước cũng khó cạnh tranh về giá. Do vậy, toàn bộ ngành sợi chịu thua lỗ, tồn kho sản xuất ở mức cao.

Ngoài ra, đơn giá giảm rất mạnh, nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Trước kia mỗi chiếc áo sơmi có giá gia công từ 1,7-1,8 USD thì nay giảm chỉ còn một nửa.

Không chỉ nguyên nhân trước mắt là giá nguyên liệu mà sự suy yếu trong xuất khẩu hàng dệt may còn xuất phát từ những yếu tố nội tại của việc sản xuất.

Kinh tế - Ngành dệt may: Tìm cơ hội trong tình cảnh khó khăn

Giá nhân công không rẻ như trước sẽ hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam. Ảnh minh họa.

Trước đây, lợi thế thường nhắc đến của ngành dệt may Việt Nam để cạnh tranh với các đối thủ lớn như Bangladesh, Ấn Độ... là lao động dồi dào, nhân công giá rẻ. Với lợi thế đó, dệt may trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi đóng góp trên 10% cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của thị trường lao động, những lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam đang dần suy yếu.

Theo thống kê của trang Trading Economics chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng. Nếu so sánh cụ thể hơn, thì lợi thế về tiền lương của Việt Nam cao hơn so với Bangladesh ở mức 95 USD/người/tháng, Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng… là các quốc gia đang trực tiếp cạnh tranh các đơn hàng may mặc với chúng ta.

Ông Phạm Quang Anh cho rằng tiền lương trong lĩnh vực dệt may tăng trưởng là tín hiệu tốt cho đời sống công nhân, cũng như thể hiện năng lực ngành. Nhưng giá nhân công không rẻ như trước cũng sẽ hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Ngoài các yếu tố trên, giá điện của Việt Nam đã tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 cũng đã kéo theo nhiều “áp lực” đối với các doanh nghiệp dệt may. Tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên trong thời điểm gần đây cũng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Xanh hóa" dệt may để phát triển bền vững

Theo BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những tháng còn lại của năm 2023, các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội và địa chính trị đi cùng với chủ nghĩa bảo hộ vẫn sẽ gây ra những yếu tố bất ổn trên quy mô toàn cầu. Theo cập nhật mới nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,8% năm 2023 và 3% năm 2024.

Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023 với mức tăng trưởng doanh số dự báo tương đối chậm từ -2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường Châu Âu (dự kiến chỉ còn 1% đến 4%). Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…

Ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Vietnam+, để vượt khó, nhiều doanh nghiệp đã phải linh hoạt trong sản xuất các đơn hàng. Họ sẵn sàng làm các đơn hàng nhỏ lẻ, độ phức tạp và yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, yếu tố quan trọng vẫn phải là chuyển mình cho sự phát triển bền vững hơn.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, “xanh hóa” trong sản xuất dệt may có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu từ châu Âu, cùng đó là phát triển bền vững doanh nghiệp. Đây đã không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà ngay trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã ý thức, chuyển mình để thực hiện yêu cầu này.

Ngành dệt may sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi “xanh” đã được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy tiến trình thực hiện còn tương đối chậm song với động lực tất yếu là cần nâng cao lợi thế cho ngành, trình độ nhân công cải thiện, hiện nay chính là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp trong nước tập trung đẩy mạnh chuyển đổi.

“Chuyển đổi sản xuất để phù hợp nhu cầu thị trường là tất yếu, đi kèm với điều này, vẫn cần cải thiện những yếu tố sẵn có thể thúc đẩy quá trình phát triển. Để đạt được mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến dự báo về tình hình giá bông trên thế giới để có những chiến lược bảo hiểm giá hợp lý, tăng tính ổn định và bền vững cho ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD,” ông Quang Anh cho biết thêm.

Như vậy, để ngành dệt may Việt Nam nhanh chóng trở lại đường đua xuất khẩu thì việc chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường là điều tất yếu.

Bên cạnh đó, việc nâng cao công tác dự báo giá nguyên liệu đầu là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi và phát triển của ngành dệt may Việt Nam diễn ra nhanh hơn.

 

Thông tin trên VOV, xác định khó khăn năm 223, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 39 - 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, các doanh nghiệp trong ngành xác định và chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Một là tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Hai là giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển dịch thị trường; Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài đồng thời khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Ba là tiết giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết.

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với nhãn hàng; doanh nghiệp với Chính phủ. Đồng thời phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín để triển khai các chương trình về an toàn lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực… Song song với đó là tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.

“VITAS sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến người lao động, giải pháp giữ chân khách hàng cũng như hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. VITAS luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững”, đại diện VITAS nêu rõ.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.