Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024

Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 02/01/2024 06:14

Năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, trong tháng 12/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023 và đạt mục tiêu điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt khách).

Dẫn đầu thị trường khách đến Việt Nam vẫn là Hàn Quốc với xấp xỉ 3,6 triệu lượt người (chiếm 28% tổng lượng khách); tiếp theo là thị trường Trung Quốc với trên 1,74 triệu lượt. Tổng 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Kinh tế - Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. Ảnh minh họa: TTXVN

Các thị trường ở châu Âu có mức tăng trưởng tốt như Anh với 48,6%, Pháp xấp xỉ 52%, Đức 48,6%, Tây Ban Nha 90%, Italia 68%,... so với cùng kỳ năm 2022. Có được kết quả này là do Việt Nam đã “mở cửa” chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, có hiệu lực từ 15/8/2023.

Theo Công Thương, với sự phục hồi của hoạt động du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường và đăng ký mới tăng mạnh; một số doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu đã ghi nhận lượng khách đăng ký mua, sử dụng dịch vụ vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm; số lượng hướng dẫn viên gia nhập thị trường lao động tăng thêm, cũng như có nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4-5 sao được đưa vào hoạt động.

Cụ thể, đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1.027 doanh nghiệp so với năm 2022. Về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố đã cấp mới 10.004 thẻ, đưa tổng số hướng dẫn viên du lịch trong cả nước lên con số 37.331. Về cơ sở lưu trú du lịch, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng.

Năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng và tăng 52,5% so với năm trước. Trong đó một số địa phương như Đà Nẵng tăng 133,8%; Tp.Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%...

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá, một số thị trường lớn cũng có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96%) Hàn Quốc (84%), Đài Loan (Trung Quốc) (92%), Thái Lan (96%); Indonesia (99%). Đặc biệt, một số thị trường Đông Nam Á thậm chí đã cao hơn so với thời điểm trước dịch: Campuchia (176%); Lào (122%); Singapore (106%), thị trường Ấn Độ cũng có sự phục hồi ấn tượng (231%).

Theo Kinh tế & Đô thị, với những thành tựu đã đạt được, ngành du lịch Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín với 19 giải thưởng hàng đầu Thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng. Trong đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 5 trở thành ”Điểm đến hàng đầu châu Á”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”. Cũng tại đây, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá khác.

Bước sang năm 2024, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn… Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế nhưng đi cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.

Ngoài ra, nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.

Từ những phân tích, dự báo đó, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tuyển công chức bổ sung đủ số lượng chỉ tiêu; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.