Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của 53.000 trường học, từ mầm non đến phổ thông, gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên. Dữ liệu bao gồm các cấu phần cơ sở thành phần như trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính…. Qua đó đã gắn mã định danh và số hóa thông tin của gần 24 triệu học sinh và hơn 1,5 triệu giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Bộ GD&ĐT cũng đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với Cơ sở dữ liệu Quốc gia Quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết, trước đây, Bộ chỉ tổng hợp được con số, không biết độ chính xác. Với hồ sơ số hóa chi tiết hiện nay, việc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu rất linh hoạt: "Năm học vừa qua, với hệ thống đăng ký dự thi tốt nghiệp trực tuyến thì toàn bộ thí sinh trên cả nước đã tự đăng ký hồ sơ dự thi trung học phổ thông và đạt 93% thí sinh tham gia, đã mang lại những lợi ích và hiệu quả rất lớn cho ngành giáo dục, qua đó nâng cao năng lực số cho các em học sinh".
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số. Việc này bao gồm chuyển đổi cách dạy và học, cách quản trị và quản lý dựa trên công nghệ số, hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt và tiếp cận dễ dàng với người dân.
Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng phạm vi thu thập thông tin; nâng cấp các công cụ để khai thác, phân tích dữ liệu và triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở giáo dục đến Bộ và kết nối ra bên ngoài. Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng Kho học liệu số dùng chung (bao gồm bài giảng điện tử từ lớp 1 đến lớp 12 do các trường đại học sư phạm xây dựng) nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục tới tất cả học sinh, đặc biệt những em ở khu vực còn khó khăn và đổi mới phương pháp dạy học.
Thời gian qua dù đã có nhiều nỗ lực và đạt những kết quả tích cực song đây vẫn là vấn đề mới nên theo nhiều đại biểu các đại biểu đến từ các địa phương đã chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tế triển khai.
Cụ thể như việc chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý, chưa có sự phối hợp thống nhất giữa kế hoạch triển khai của bộ và các sở GD&ĐT, các phần mềm còn chồng chéo…Đặc biệt, các sở GD&ĐT cũng bày tỏ sự lúng túng trong các vấn đề liên quan như sử dụng chữ ký điện tử, số hoá học bạ, kết nối dữ liệu, lựa chọn phần mềm, việc chuyển trường của giáo viên và học sinh…
Trúc Chi (theo VOV, Công Thương)