Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh; sử dụng thủ đoạn xé lẻ hàng hóa, vận chuyển từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.
Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức
Với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai công tác kiểm soát hải quan; kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới;
Từ 16/12/2023-15/11/2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 16.390 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 29.273 tỷ đồng (tăng 12,12% về số vụ và tăng 154,09% về trị giá so với cùng kỳ 2023). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 24 vụ (giảm 31,43% so với cùng kỳ 2023), chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ (giảm 5,42% so với cùng kỳ năm 2023). Số tiền thu nộp NSNN 901,58 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 1884/KH-TCHQ ngày 04/5/2024 về việc kiểm soát ma tuý và hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất ma tuý của Ngành năm 2024. Ban hành tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản là valy thuốc thử các chất ma tuý và tiền chất của ngành Hải quan. Tổng kết kết quả triển khai các Chiến dịch chung, như: Chiến dịch con Rồng Mê Kông VI giữa các cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã; Chiến dịch Twin Guardian II hợp tác về đấu tranh phòng chống ma túy giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc.
Từ 15/12/2023-15/11/2024, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 275 vụ/328 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 105 vụ. Tang vật thu được gồm: 2,08 tấn ma tuý các loại.
Đặc biệt, trong thời gian triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông VI, đầu mối thuộc Hải quan Việt Nam đã cập nhật tổng số 59 vụ việc bắt giữ ma túy với khối lượng 395 kg ma túy và 18 vụ bắt giữ động, thực vật hoang dã với khối lượng tang vật tich thu gồm: 269 kg; 353 cá thể, sản phẩm từ động, thực vật hoang dã..

Hải quan và lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một vụ buôn lậu ma túy qua đường hàng không
Năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác KTSTQ trong toàn quốc; tập trung triển khai các chuyên đề theo định hướng lớn, trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai toàn diện, thống nhất, tránh việc kiểm tra tràn lan, thiếu hiệu quả; đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho cộng đồng DN vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Triển khai các chuyên đề với quy mô trên toàn quốc như: chuyên đề hạt điều; chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp… và đã đạt được những kết quả tích cực: Từ 01/01-15/11/2024, toàn Ngành đã thực hiện KTSTQ 1.852 cuộc, trong đó có 886 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 966 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 906,6 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN 584,52 tỷ đồng.
Nhiều biện pháp phòng, chống

Ngành Hải quan tăng cường chống buôn lậu cao điểm Tết Ất Tỵ 2025
Với những diễn biến hiện nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Và đây cũng là giai đoạn tiềm ẩn nguy cơ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn tinh vi và nhất là giá trị vi phạm gia tăng mạnh.
Theo đó các đối tượng vi phạm pháp luật, buôn lậu sẽ đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hoạt động buôn lậu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng tiêu thụ nhiều dịp Tết như rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm; cũng như các mặt hàng khác như thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ, pháo nổ... nhằm phục vụ nhu cầu thị trường tăng cao dịp tết Nguyên đán.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tại Kế hoạch, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động hải quan, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Quá trình triển khai Kế hoạch phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Đồng thời cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh...
Thanh Tâm