Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines đã có phát biểu về tác động của dịch Covid-19 với ngành hàng không và giải pháp vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai.
Chuyện "đứng mũi, chịu sào" Covid
Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo đánh giá của IATA. Trước Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 16%/năm giai đoạn 2016 - 2019, trong đó riêng giai đoạn 2016 - 2017 đạt trên 20%/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề từ năm 2020 đến nay.
Tại thị trường quốc tế, từ cuối tháng 3/2020, hoạt động chở khách thường lệ hoàn toàn bị ngưng trệ, các đường bay quốc tế gần như bị tê liệt, ngoại trừ số lượng ít các chuyến bay chở hàng hóa, đưa đồng bào hồi hương và chở khách chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam.
Tại thị trường nội địa, năm 2020 là giai đoạn khó khăn chưa từng có trước đó, song năm 2021 lại là một năm khó khăn hơn khi liên tiếp nhiều đợt dịch bùng phát khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, đặc biệt trong các dịp cao điểm của ngành hàng không là Tết Nguyên đán và hè làm doanh thu của các hãng hàng không giảm mạnh. Nghiêm trọng nhất là đợt bùng phát từ cuối tháng 4/2021 khiến các hãng hàng không chưa thể khôi phục hoàn toàn hoạt động vận tải hành khách nội địa.
Năm 2020, tổng thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm gần 56% so với năm 2019, dự báo con số này của năm 2021 sẽ chỉ bằng 40% năm 2020 và 20% năm 2019. Cụ thể, tổng thị trường ước đạt gần 15 triệu lượt khách, trong đó thị trường quốc tế là hơn 400 nghìn lượt khách, bằng 1,3% năm 2019, và thị trường nội địa là 14,4 triệu lượt khách, xấp xỉ 39% năm 2019.
Mặc dù hoạt động vận tải sụt giảm, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi và năng lực sản xuất chỉ ở mức rất thấp, nhưng do tính chất đặc thù của ngành hàng không, các hãng bay vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ và các chi phí duy trì hoạt động khác. Điều này khiến các hãng hàng không phải tiếp tục đối diện với nguy cơ suy kiệt về tiền mặt và gia tăng nợ phải trả quá hạn.
Ngoài các tác động trực tiếp về mặt tài chính và dòng tiền, các hãng bay cũng phải đối mặt với không ít vấn đề liên quan đến môi trường sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn như dư thừa nguồn lực tàu bay, cạnh tranh về giá vé, thậm chí bán dưới giá thành để có dòng tiền.
Dự báo phục hồi thị trường hàng không từ năm 2023
Trong khi đó, diễn biến dịch Covid-19 rất khó lường nên việc dự đoán chính xác thời điểm dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động vận tải hàng không phục hồi là điều khó khăn. Trong vòng hơn nửa năm (từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021), IATA đã hai lần điều chỉnh dự báo thời điểm hồi phục của thị trường vận tải hàng không thế giới.
Theo dự báo mới nhất của IATA và các tổ chức quốc tế, thị trường hàng không sẽ phục hồi khoảng 88% so với năm 2019 trong năm 2022 và phục hồi hoàn toàn vào năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào tiến độ tiêm vắc-xin và kế hoạch mở cửa của các quốc gia. IATA dự báo năm 2022 khu vực châu Á sẽ có tốc độ hồi phục chậm, khoảng trên 20%, thấp hơn so với mức 65-75% của châu Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng của tốc độ tiêm vắc-xin và các chính sách kiểm soát của các quốc gia châu Á.
Thị trường hàng không Việt Nam dự kiến cũng sẽ theo diễn tiến chung của khu vực và thế giới. Dựa trên dự báo của IATA, một số tổ chức quốc tế như Boeing, JADC và mục tiêu tiêm vắc-xin của Chính phủ, Vietnam Airlines đã xây dựng các kịch bản giả định thời điểm phục hồi và tăng trưởng cho giai đoạn 2022 - 2025. Ở kịch bản lạc quan nhất, thị trường nội địa có thể phục hồi tương đương với mức 2019 từ năm 2023, thị trường quốc tế sẽ phục hồi từ cuối năm 2024. Ở mức xấu nhất, đến năm 2025 thị trường nội địa có thể phục hồi nhưng thị trường quốc tế thì vẫn chưa thể khôi phục.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các biến chủng mới (gần đây Omicron là một ví dụ) với khả năng lây truyền mạnh, kháng vắc-xin càng cho thấy thách thức mà ngành y tế cũng như hàng không phải đối mặt trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều.
Cần sự đồng hành của Nhà nước để "cất cánh bay"
Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch, các hãng hàng không đã và đang có những giải pháp nhằm ứng phó và duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực chủ động vượt khó của các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước với những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Cụ thể, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines kiến nghị 4 nhóm giải pháp chính để hỗ trợ ngành hàng không.
Thứ nhất, việc điều tiết thị trường hàng không để hướng đến sự khôi phục, phát triển bền vững là rất quan trọng. Một số vấn đề liên quan và mang tính cấp thiết hiện nay có thể kể đến như: xem xét phê duyệt cấp phép bay cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng sân bay và tốc độ tăng trưởng của thị trường; điều tiết giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không; cân đối giá vé máy bay với giá các loại hình vận tải khác; mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không thông như hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước, giảm thêm về thuế bảo vệ môi trường, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không, hỗ trợ người lao động bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.
Thứ ba, điều kiện căn bản nhất để ngành hàng không có cơ hội phục hồi là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước cần có sự chung tay phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực hàng không để có chính sách riêng cho lĩnh vực này nhằm xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn, đồng thời cần có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay theo từng giai đoạn để các hãng chủ động xây dựng kế hoạch khai thác.
Thứ tư, các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, để quản lý tiêu chuẩn phòng chống dịch, đồng bộ hóa và kiểm soát dữ liệu tiêm chủng hiệu quả nhằm tối ưu công tác quản lý của các cơ quan cũng như hãng hàng không, giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn trong quá trình đi máy bay và trải nghiệm dịch vụ.
Kinh tế 2022 có nhiều nguy cơ về lạm phát và nợ xấu
Đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3-5 năm cho hợp tác xã
Giải bài toán "cấp cứu" và "trị khỏi bệnh" cho doanh nghiệp sau cơn mê