Sáng 13/9, Hội thảo chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam đã được tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, ông Dương Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ, Gia Lai là địa điểm thuộc Tây Nguyên với đặc điểm tự nhiên phong phú, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đóng góp rất lớn vào cơ cấu nông nghiệp, chiếm 58,7%. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn.
Theo ông Hiệp, Gia Lai có thế mạnh phát triển các cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, và đặc biệt là cây mía, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Với tổng diện tích đất nông nghiệp đạt 837.600 ha, Gia Lai hiện hơn có 40.000 ha diện tích trồng mía, chiếm diện tích lớn trong tổng diện tích trồng mía nguyên liệu ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
"Cây mía không chỉ giúp tạo sinh kế cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn mà còn là yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị, sản xuất nông nghiệp bền vững", ông Hiệp nói.
Song, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ ra rằng, tuy diện tích và sản lượng lớn nhưng diện tích canh tác còn chưa tập trung nên công tác cơ giới hóa công nghệ sản xuất còn có mặt hạn chế. Ví dụ như có nhiều vùng mía ở khu vực cao, tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch.
Từ đó, ông Hiệp kiến nghị xây dựng triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các HTX nông nghiệp, liên kết với các nhà máy đường hiệu quả, ngăn chặn tình trạng chênh mua chênh bán, vi phạm hợp đồng trong hoạt động tiêu thụ mía. Đẩy mạnh công tác khảo nghiệm, lựa chọn giống mía năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh để đưa vào sản xuất.
Cuối cùng các cơ quan chức năng, địa phương cần chủ động hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất mía phù hợp với nông dân, HTX nhằm nâng cao năng suất, chất lượng…
Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, sản lượng đường từ mía cả nước đã tăng 4 niên vụ liên tiếp. Niên vụ 2023/24 đã tăng 61% so với niên vụ 2020/21.
Trong khối ASEAN, có 4 nước sản xuất đường từ mía lớn, gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia. Một số quốc gia khác trong khu vực cũng sản xuất mía đường, nhưng sản lượng và trình độ thấp hơn là Lào. Campuchia, Myanmar.
"Sau nhiều năm, lần đầu tiên, trong niên vụ 2023/24, Việt Nam đạt mức năng suất mía đường đứng đầu khu vực", ông Lộc chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Lộc chỉ ra một thực tế rằng: "Ngành mía đường Việt Nam đang bị đường nhập lậu tàn phá. Bản chất của đường nhập lậu là đường phá giá có nguồn gốc từ Thái Lan, đi qua Campuchia và Lào vào Việt Nam".
Hiện tượng này xảy ra đã nhiều năm, từ trước khi ngành đường thực thi ATIGA năm 2020, lúc đó Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến vụ sản xuất 2021/2022 chỉ còn 25 nhà máy sản xuất đường hoạt động; trong khi 16 nhà máy phải đóng cửa, hơn 100.000 hộ gia đình nông dân trồng mía buộc phải chuyển sang trồng cây khác.
Tác động từ loại đường phá giá này đến chuỗi sản xuất mía đường tại Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng. Kể từ khi kết thúc vụ ép 2023/24, đến nay hầu như các nhà máy đường nước ta không thể bán được đường sản xuất từ mía vì thị trường đã bị đường nhập lậu thống trị.
"Rất nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại hầu như các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên công tác đấu tranh chống gian lận đường nhập lậu vẫn còn thiếu hiệu quả, nhiều kẽ hở và điều bất thường và đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng", ông Lộc thẳng thắn nói.
Từ thực tế trên, ông Cao Anh Đương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ xem xét chính sách trích lợi nhuận từ sản xuất của các nhà máy đường, đầu tư trở lại cho nghiên cứu và phát triển mía đường vì đặc thù của cây mía.
Cần thúc đẩy tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa Hiệp hội Mía đường, các doanh nghiệp mía đường trong nước và các cơ quan tổ chức mía đường uy tín trên thế giới. Nhà nước cần tăng cường công tác khuyến nông, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng mía.