Một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành hướng tới đó là đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua trong toàn Ngành. 100% các đơn vị trực thuộc đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 2151/QĐ-BYT của Bộ Y tế về thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. . Tất cả các đơn vị trong ngành đều thực hiện niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các vị trí dễ nhìn và tập trung đông người qua lại, đồng thời phân công cán bộ thường trực tiếp nhận đường dây nóng 24/24h. Các đơn vị triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ người bệnh như: Thành lập Tổ chăm sóc khách hàng; hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề cho người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, hỗ trợ nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; vận động, tiếp nhận tài trợ, từ thiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp đỡ người bệnh, người nhà người bệnh. Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định trang phục ngành y tế; thực hiện khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.
Đến nay, các cơ sở y tế đã nhận thức được sự cấp thiết phải đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Các cơ sở y tế đã xác định người bệnh làm trung tâm, là khách hàng và y tế là cơ sở cung cấp dịch vụ. Mỗi đơn vị đều có sự chủ động cải tiến, đổi mới, chuyên nghiệp hóa các hoạt động khám, chữa bệnh; quy trình khám chữa bệnh được cải tiến hợp lý; thời gian chờ đợi nhanh hơn; Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và đặt sự hài lòng của người bệnh lên hàng đầu. Người dân được tạo mọi điều kiện để tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, tạo hình ảnh đẹp cho người cán bộ y tế.
Để từng bước làm hài lòng người bệnh, song song với việc thay đổi tác phong, thái độ ứng xử, chất lượng khám, chữa bệnh được ngành Y tế Vĩnh Phúc chú trọng. Nhiều đơn vị được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, thân thiện; các trang thiết bị hiện đại được đầu tư, đưa vào sử dụng phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị. Ngành y tế tích cực tham mưu UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi, Trung tâm y tế các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên; đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế. Tham mưu UBND tỉnh quyết định giao quyền tự chủ về tài chính cho 11 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc SởY tế giai đoạn 2019-2021, đạt 50% số đơn vị. Tăng cường phối hợp với BHXH tỉnh, các sở, ngành tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT và thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 88,6%, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn trung bình cả nước 0,9%. Thực hiện tốt đề án bệnh viện vệ tinh, triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, số lượt khám bệnh tăng, tỷ lệ chuyển tuyến giảm.
Thời gian qua, ngành thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở: Phát hiện sớm, xử trí kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây dịch; duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng và phòng chống suy dinh dưỡng; thực hiện tốt các mục tiêu dân số và phát triển; duy trì đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế tại các xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế. Đến hết năm 2018, 99,3% trạm y tế trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia, cao hơn trung bình cả nước 23,3%; Công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu y tế cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch được giao; một số chỉ tiêu cao hơn trung bình toàn quốc như: 98% trẻ em được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin, 100% phụ nữ được khám thai từ 3 lần trở lên, tỷ lệ suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) chiếm 8,9% (trung bình toàn quốc 12,7%).
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và thanh toán BHYT, phần mềm lấy số tự động, hội chẩn từ xa…góp phần giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Xác định xây dựng văn hoá công sở là xây dựng hệ thống những giá trị bên trong và thương hiệu, hình ảnh của mỗi cơ quan, đơn vị, mục tiêu quan trọng nhất mà ngành Y tế đặt ra là sự hài lòng của người dân và mỗi người bệnh khi sử dụng các dịch vụ y tế ở các đơn vị trong ngành. Để xây dựng được môi trường làm việc chuyên nghiệp - thân thiện - hiệu quả, ngành Y tế Vĩnh Phúc phát động phong trào thi đua nhằm xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; tạo dựng bầu không khí làm việc thân thiện; xây dựng hệ giá trị chuẩn phù hợp với đặc thù và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị
Năm 2018, ngành y tế đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt Nghị quyết số 18-NQ/TW,Nghị quyết số 19-NQ/TW và Đề án số 01-ĐA/TU ngày 05/12/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở nhằm giảm đầu mối hoạt động hiệu lực hiệu quả và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị trực thuộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực quản lý, chuyên môn về khám chữa bệnh, phòng bệnh, chất lượng các dịch vụ y tế tại các tuyến. Từ năm 2014 đến nay, khối dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh giảm 6 đơn vị, hiện có 5 đơn vị; tuyến huyện giảm 27 đơn vị, hiện có 9 đơn vị; giảm 2 phòng, ban thuộc sở, hiện có 7 phòng. Đến nay, các đơn vị hoạt động ổn định, tập trung tốt các nguồn lực, phát huy hiệu quả công tác phòng bệnh, khám, chữa bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2018, ngành đã cử 141 bác sĩ, dược sĩ học sau đại học (CKII, CKI, thạc sĩ); đào tạo chuẩn hóa trình độ đại học cho 110 cán bộ; đào tạo liên tục 1.500 cán bộ y tế; cử 11 bác sĩ tuyến tỉnh luân phiên hỗ trợ cho tuyến huyện về chuyên môn kỹ thuật; triển khai tiếp nhận chuyển giao các gói kỹ thuật do bệnh viện tuyến Trung ương thực hiện thông qua Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh ở các lĩnh vực: Sản, nhi, tim mạch, ngoại chấn thương và các chuyên khoa khác.
Để bổ sung bác sĩ cho các tuyến nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật, năm 2018, ngành y tế tổ chức xét tuyển 63 bác sĩ. Ngoài ra, các đơn vị y tế cũng hợp đồng với các bác sĩ để đáp ứng yêu cầu công việc của đơn vị. Hiện tại, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,7 (cao hơn bình quân chung cả nước 2,1 bác sĩ/vạn dân). Chất lượng công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên; số giường bệnh/vạn dân đạt 28,5. Các cơ sở khám, chữa bệnh công lập tích cực cải tiến chất lượng bệnh viện; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh;
Tiếp tục nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2018, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý, tuyển dụng, đào tạo và đặc biệt là thực hiện bước đột phá về ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh. Các đơn vị y tế đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh; sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại được đầu tư. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện được nhiều kỹ thuật của tuyến trên.
Với phương châm đến năm 2020 “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì ngành y tế Vĩnh Phúc cơ bản làm được kỹ thuật đó”, ngành đặc biệt quan tâm phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu, triển khai những công nghệ mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Năm 2018, toàn ngành triển khai 207 kỹ thuật chuyên môn mới. Một số kỹ thuật hiện đại của tuyến trung ương được triển khai qua chuyển giao kỹ thuật như: Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Phẫu thuật vi phẫu tủy, phẫu thuật vi phẫu lấy u não, chụp nút mạch gan, chụp nong và đặt stent, hút huyết khối động mạch thận, đặt máy tạo nhịp tạm thời, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, nút mạch u xơ tử cung, chụp mạch não số hóa xóa nền, chụp mạch và thăm dò điện tim sinh lý, xạ hình xương, chụp MRI. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên: Phẫu thuật thay khớp háng; thắt động mạch hạ vị, tử cung; phẫu thuật nội soi cắt tử cung. Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh: Hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, lọc máu sơ sinh, phẫu thuật phình đại tràng bẩm sinh, nuôi dưỡng thành công trẻ 29 tuần tuổi nặng 800g…Từ sự đầu tư đúng hướng đã giúp người dân được sử dụng các kỹ thuật mới, công nghệ cao ngay tại tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tối đa việc người bệnh phải chuyển tuyến, giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Với định hướng đúng và phương pháp thực hiện khoa học, cầu thị, lắng nghe ý kiến phản hồi của người bệnh, toàn ngành Y tế Vĩnh Phúc đang dấy lên phong trào thi đua đổi mới thái độ, tác phong công tác, gắn bó với người bệnh, xác định người bệnh là trung tâm của mọi hoạt động, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ sở, mỗi cán bộ trong toàn ngành. Tích cực đổi mới phong cách làm việc, luôn sát dân, gần dân, lắng nghe dân, kịp thời nắm bắt mọi diễn biến và dịch bệnh trong dân để có biện pháp ứng phó hiệu quả, thiết thực nhất. Với cách làm đó, chắc chắn rằng ngành Y tế Vĩnh Phúc sẽ đạt được nhiều thành quả trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần tích cực vào sự thành công các mục tiêu KT-XH của địa phương mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra./.
Thu Hà