Sau những thành công về mặt quân sự giúp chính quyền Damascus giành được quyền kiểm soát một phần rất lớn lãnh thổ Syria, Tổng thống Bashar al-Assad cũng đạt được một chiến thắng ngoại giao đáng kể, theo FRANCE 24.
Mặc dù ông Assad đã bị các cường quốc phương Tây cô lập khỏi cộng đồng quốc tế; cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học; bị các cường quốc Ả Rập Sunni trong khu vực quay lưng - nhưng đã có những dấu hiệu trong những tuần gần đây cho thấy nhà lãnh đạo Syria đang được chào đón trở lại.
Truyền thông khu vực ngày càng tin rằng Syria sẽ có thể trở lại hàng ngũ của Liên đoàn Ả Rập mà nước này đã bị mất tư cách thành viên từ tháng 11/2011 liên quan đến cuộc xung đột với phe nổi dậy.
Ân sủng trở lại
Sự tham gia của Syria vào một hội nghị thượng đỉnh kinh tế của Liên đoàn Ả Rập sẽ được tổ chức tại Lebanon vào ngày 19-20/1 tới đây đang được thảo luận, theo các nguồn tin ngoại giao địa phương.
Bước đi sơ bộ này sẽ đưa các quan chức Syria liên lạc lại với các đối tác của họ ba tháng trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên đoàn Ả Rập, sẽ được tổ chức tại Tunis vào cuối tháng 3.
Thông báo ngày 27/12 của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về việc mở lại đại sứ quán ở Damascus là một xác nhận khác về bàn tay đang dang rộng trở lại đối với Tổng thống Syria.
UAE, cùng với Saudi Arabia và Qatar vốn là các nhà tài trợ chính cho lực lượng đối lập Syria. Do đó, động thái “làm hòa” của UAE được cho là không thể tự ý thực hiện mà không có sự chấp thuận của Riyadh và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Ngoại trưởng UAE, Anwar Gargash đã lên tiếng giải thích về bước đi gây bất ngờ này bằng cách nói về chủ nghĩa bành trướng khu vực của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho rằng, vai trò của các nước Ả Rập ở Syria đang trở nên cần thiết hơn. Trong khi đó, Bahrain cũng tuyên bố rằng họ có kế hoạch mở lại đại sứ quán của mình ở thủ đô Syria.
Vào ngày 31/12, Thứ trưởng Ngoại giao Kuwaiti Khaled Al-Jarallah cho biết ông kỳ vọng "sự tan băng trong quan hệ giữa Syria và các nước vùng Ả Rập trong những ngày tới", theo báo cáo của hãng tin Kuna. Ông nói rằng các quốc gia vùng Vịnh vẫn cam kết với các quyết định của Liên đoàn Ả Rập và sẽ mở lại các đại sứ quán của họ ở Damascus một khi tổ chức ủy quyền làm như vậy.
Tháng 12 cũng chứng kiến Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đến thăm Damascus để gặp gỡ người đồng cấp Syria. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo của một quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập đến thăm ông Assad ở Damascus và được Syria công bố thông tin rộng rãi. Các chuyên gia cho rằng, chuyến thăm này đã được bật đèn xanh bởi Riyadh.
Cuộc chơi thay đổi
"Đây không phải là một điều gây ngạc nhiên. Những quyết định này được đưa ra trong bối cảnh một loạt các sự kiện đã báo hiệu trước đó, với sự kiện quan trọng nhất là sự thành công của chính quyền Bashar al-Assad trong việc giành lại quyền kiểm soát gần 90% lãnh thổ Syria”, chuyên gia Bachir Abdel-Fattah từ trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Ahram có trụ sở tại Cairo, nói với FRANCE 24.
Thành công quân sự của chính quyền Assad là chiến thắng được quyết định bởi sự hỗ trợ của Nga và Iran – những quốc gia đã tác động lớn đến trò chơi địa chiến lược trong khu vực, ông nhấn mạnh.
"Sự thay đổi này đánh dấu quá trình chuyển tiếp sang thời kỳ hậu khủng hoảng ở Syria. Các quốc gia Sunni như UAE và Saudi nhận ra rằng họ đã thua trò chơi và họ quan tâm đến việc có một Syria ổn định", tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo lực lượng quân sự của Pháp tại Liên Hợp Quốc, nói với FRANCE 24.
Theo quan điểm của chuyên gia Abdel-Fattah, thông báo của Tổng thống Donald Trump về việc ông sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Syria cũng giúp sắp xếp lại các quân bài chủ chốt.
Thông báo bất ngờ này đã mang lại lợi ích cho chính quyền Syria vì nó đã thúc đẩy các lực lượng người Kurd ở phía Bắc tìm đến sự hợp tác với Tổng thống Assad vì lo ngại một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Manbij.
"Chuỗi sự kiện này chỉ ra rằng một sự thay đổi sẽ diễn ra trong mối quan hệ giữa các cường quốc Ả Rập và Syria. Tôi nghĩ đây chỉ là một sự khởi đầu", nhà phân tích nhấn mạnh.
Đưa Syria trở lại bàn tay Ả Rập
Kinh tế bị tàn phá, Syria cần nguồn tiền lớn để xây dựng lại đất nước sau bảy năm chiến tranh. Chi phí này được LHQ ước tính vào khoảng 350 tỷ euro. Nhưng thực tế, ông Assad biết rằng mình không thể dựa vào Iran và Nga, hai đồng minh đều bị suy yếu về kinh tế bởi các lệnh trừng phạt và không giàu có về tài chính như các quốc gia vùng Vịnh.
Tổng thống Trump gần đây đã nói trên Twitter rằng Saudi Arabia "đồng ý chi khoản tiền cần thiết để giúp xây dựng lại Syria, thay vì Mỹ”.
Được hậu thuẫn về mặt chính trị và quân sự bởi các nhà tài trợ Nga và Iran, Tổng thống Assad sẽ không ngại mạo hiểm về mặt ngoại giao trong việc chấp nhận bàn tay mở rộng của những người từng muốn lật đổ ông, giới quan sát đánh giá.
"Các nước Ả Rập từ bỏ yêu cầu Tổng thống Assad từ chức là một dấu hiệu khác về những gì đang xảy ra", Abdel-Fattah nói.
Mohammad al-Hammadi, một nhà khoa học chính trị tại Dubai, tin rằng chủ nghĩa thực dụng đang hoạt động ở cả hai phía của bàn cờ khu vực. "Nỗ lực quốc tế đã thất bại trong việc giành lấy một giải pháp ở Syria và người Ả Rập đã không thể áp đặt điều kiện của họ", ông nói.
Theo quan điểm của ông, quyết định của các nước Ả Rập trong việc cô lập Syria không có kết quả hữu ích. "Đó là một thất bại và phải được thừa nhận - vì vậy chính sách có thể được thay đổi - ngay cả khi Tổng thống Bashar al-Assad vẫn là một yếu tố quan trọng của cuộc khủng hoảng", ông al-Hammadi nói.
Al-Hammadi cho biết một vấn đề lớn hơn đang thúc đẩy các cường quốc Ả Rập là Iran, đối thủ lớn nhất trong khu vực. "Vấn đề Syria phải được đặt lại vào tay người Ả Rập, vì cuộc khủng hoảng chỉ mang lại lợi ích cho người Iran, những người đang ngồi trên bàn đàm phán với người Nga và người Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề liên quan đến một thành viên của Liên đoàn Ả Rập", chuyên gia này nhận định.
"Tôi nghĩ rằng người Ả Rập đã mất rất nhiều khi cắt đứt quan hệ với người Syria”, ông nói thêm. “Liên đoàn Ả Rập cần đưa ra quyết định rõ ràng để Syria trở lại trong vòng tay Ả Rập".