Những ngày gần đây, nhiều người dân ở huyện Chương Mỹ vẫn phải sống trong cảnh ngập lụt, phải kể đến các xã như Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ. Kèm theo đó là rất nhiều các vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
8/9 thôn của xã Hoàng Văn Thụ bị ngập. Mưa lũ đã khiến 370 hộ gia đình bị ngập trong nước làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Nhiều hộ gia đình không có nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và ăn uống, một số công trình vệ sinh, chuồng trại bị thiệt hại và ô nhiễm.
Thậm chí có người do thiếu thốn nước sạch, vệ sinh không đảm bảo nên đã có hiện tượng nước ăn chân và đau mắt đỏ.
Trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm là nguy cơ bùng phát các bệnh tiêu hóa, bệnh da liễu hay bệnh về mắt do nhiễm khuẩn, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, bà Phùng Thị Huề, Trạm trưởng trạm Y tế xã Hoàng Văn Thụ cho hay, trạm y tế đã cấp phát thuốc đau mắt, thuốc da liễu, Cloramin B, phèn chua, vôi bột… đến cho các hộ dân. Đồng thời, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ và trạm y tế các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án đối phó với thiên tai và thảm họa theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Trung tâm Y tế huyện cũng lập phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế và người bệnh khi xảy ra ngập lụt để nhanh chóng cấp cứu, điều trị cho nạn nhân trong mọi tình huống. Đội cơ động phòng chống dịch phối hợp với các xã lên phương án vệ sinh môi trường sau ngập úng.
Việc dự trù thuốc, trang thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu người dân, đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cũng đã được trung tâm Y tế huyện triển khai. Theo đó, 11 xã có các gia đình bị ngập úng nặng đã được trung tâm Y tế huyện cấp các hóa chất để xử lý nước ăn gồm 250 gói CloraminB tương đương 25kg, 240 gói phèn chua tương đương 24kg.
“Các cơ sở, đơn vị luôn có cán bộ y tế sẵn sàng để sơ cứu, cấp cứu nạn nhân và hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh hiệu quả”, bà Huề chia sẻ.
Cũng theo bà Huề, sau khi nước rút, ngành y tế huyện Chương Mỹ và các đơn vị y tế địa phương sẽ tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường bằng việc phun hóa chất khử trùng tại các khu vực bị ngập lụt; phun hóa chất, vệ sinh môi trường ở chợ, trường học; hướng dẫn các hộ xử lý nguồn nước sinh hoạt, đồng thời thu gom xác gia súc, gia cầm bị chết để xử lý.
“Người dân cần lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Bên cạnh đó, người dân cần tích cực tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế”, bà Huề khuyến cáo.
Nguyễn Huệ