Ngày 2/4, Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng, Trưởng Công an xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị này nhận được hàng loạt đơn của người dân tố cáo bà T.T.V. (SN 1989, trú xã Cư Suê) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
“Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã nhận được 7 đơn tố cáo của người dân với tổng số tiền bị lừa đảo lên đến hơn 24 tỷ đồng. Qua xác minh, V. đã rời bỏ địa phương đi nhiều ngày qua không liên lạc được. Hiện, đơn vị đã có báo cáo sơ bộ vụ việc cho Công an huyện Cư M’gar điều tra, xử lý theo thẩm quyền”, Đại úy Hưng thông tin.
Nhiều ngày qua, bà Nguyễn Thị Kim Dung (ngụ thôn 2, xã Cư Suê) đứng ngồi không yên khi V. đột nhiên biến mất, “ẵm” theo số tiền 7,5 tỷ đồng. Theo bà Dung, vào cuối năm 2017, qua mối quan hệ làm ăn, bà đã quen biết với V.. Thời gian đầu, người này đề nghị mượn bà 500 triệu đồng với lãi suất 3.000-4.000 đồng/triệu/ngày và được bà đồng ý. Sau khi vay tiền, đúng hẹn V. đã hoàn trả lại số tiền gốc lẫn tiền lời cho bà Dung như đã hứa.
Vì tin tưởng nên những lần sau đó, khi V. hỏi mượn tiền, bà Dung liền cầm cố tài sản, thế chấp sổ đỏ thậm chí vay mượn người thân để đưa tiền cho người này mà không chút đắn đo. Đỉnh điểm, bà Dung đã đưa cho V. tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.
“Sau Tết vừa qua, V. không trả tiền lãi như thường kỳ nên tôi đến nhà đòi. Lúc này, V. tìm cách khất nợ hết lần này đến lần khác. Mới đây, sau nhiều lần liên lạc không được, tôi trực tiếp đến nhà thì phát hiện V. đã bỏ trốn khỏi địa phương. Toàn bộ số tiền đưa cho V., tôi đều vay mượn ngân hàng và người dân trong xã. Giờ đây, chủ nợ đến nhà đòi tiền không được họ đã xiết nhiều tài sản trong nhà của tôi để gán nợ nhưng cũng không đủ tiền lãi. Nếu không tìm được V., gia đình tôi phải ra đường sống vì nhà cũng đã cầm cố ngân hàng”, bà Dung chua xót.
Tương tự bà Nguyễn Thị Kim Dung, bà Phan Thị Kim Thảo (SN 1977, ngụ xã Cư Suê) cũng vì tin tưởng, ham tiền lời mà đã cầm sổ đỏ, vay mượn tiền người thân để đưa tiền cho V. gần 6,5 tỷ đồng. “Thời gian đầu vay tiền, V. trả tiền gốc và lãi rất đúng hẹn nên gia đình tôi hoàn toàn tin tưởng. Sau đó, mỗi lần V. hỏi mượn tiền, tôi vay mượn bên ngoài với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày rồi cho V. vay lại với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày để kiếm lời. Ngờ đâu khi phát hiện V. bỏ trốn khỏi địa phương, nhiều chủ nợ đã đến gia đình tôi đòi nợ. Đến nay, tài sản trong nhà tôi đã bị xiết nợ hết còn mỗi căn nhà cũng phải thế chấp ngân hàng. Bỗng nhiên, gia đình biến thành con nợ, tôi không biết làm cách gì để có thể trả hết số tiền lớn kia”, bà Thảo chia sẻ.
Ngoài việc tố cáo V. lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người dân còn cho biết V. đã cấu kết với các ngân hàng tín dụng nâng giá tiền thế chấp tài sản một cách bất hợp pháp.
Theo bà Thảo, sổ đỏ của gia đình bà bình thường chỉ vay được từ 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ của V., một số ngân hàng đã định giá tài sản của bà Thảo cao hơn và cho vay lên đến 700 triệu đồng.
Trước thông tin V. bỏ trốn, rất nhiều người dân tại địa bàn xã Cư Suê và Ea M’Nang như ngồi trên đống lửa. Bà Nguyễn Thị Bến (ngụ xã Ea M’Nang) đã vay mượn đưa cho V. tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng. Những ngày qua, một phần vì chủ nợ liên tục đến đòi nợ, một phần không liên lạc được với V. khiến bà Bến ngất lên, ngất xuống nhiều lần.
Mai Cường - Ngọc Thi