NASA vừa đưa ra dự báo rằng sự kiện nguyệt thực một phần sẽ diễn ra trong tổng thời gian khoảng 3 tiếng 28 phút rạng sáng ngày 19/11, tính theo múi giờ tại New York.
Còn ở Việt Nam nguyệt thực bắt đầu diễn ra lúc 14h19, đạt cực đại khoảng 16h và kết thúc vào lúc 17h47 ngày 19/11. Đây là lần nguyệt thực thứ 2 và cũng là nguyệt thực cuối cùng của năm 2021.
Đây cũng là lần nguyệt thực dài nhất trong vòng 580 năm trở lại đây. Tổng thời gian diễn ra hiện tượng này là khoảng 3 tiếng 28 phút, dài hơn nhiều so với nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ năm 2018 với thời gian 1 tiếng 43 phút. Sự kiện nguyệt thực dài hơn được các nhà thiên văn học NASA dự báo diễn ra ngày 8/2/2669, với thời lượng 3 giờ 30 phút.
Theo trang Time & Date, ở lần nguyệt thực một phần này, tỷ lệ diện tích Mặt Trăng bị che phủ lên tới 97%, bởi vậy nó gần như tương đương với nguyệt thực toàn phần.
Hiện tượng nguyệt thực lần này có thể được quan sát tốt tại hầu hết các đảo thuộc Thái Bình Dương, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, hầu hết Australia, một phần châu Âu, châu Á và châu Phi. Trong đó, các đảo ở Thái Bình Dương và quốc gia Bắc Mỹ sẽ là những nơi có điều kiện tốt nhất để quan sát nguyệt thực.
Với Việt Nam, phần lớn hiện tượng nguyệt thực diễn ra vào lúc trăng chưa mọc. Do vậy, dù là nguyệt thực dài nhất thế kỷ, người dân Việt Nam chỉ có thể quan sát một phần hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.
Tại Hà Nội, kể từ khi Mặt Trăng xuất hiện ở đường chân trời, người dân Thủ đô sẽ có khoảng 30 phút để quan sát giai đoạn cuối của nguyệt thực một phần.
Với Tp.HCM, do Mặt Trăng mọc khá muộn, gần với thời điểm nguyệt thực một phần kết thúc, người dân tại khu vực này chỉ có khoảng 20 phút để quan sát nguyệt thực một phần.
Tuy khoảng thời gian để quan sát nguyệt thực tại Việt Nam khá ngắn ngủi, nhưng nếu may mắn ở một vị trí thuận lợi, trời quang và điều kiện thời tiết tốt, chúng ta vẫn có thể chứng kiến một phần của hiện tượng thiên nhiên này.
Dù không phải quá hiếm gặp, nguyệt thực vẫn là một hiện tượng thiên văn thú vị được nhiều người săn đón.
Nguyệt thực không tạo ra khung cảnh đột ngột như nhật thực, với hình ảnh như ai đó đang khoét một lỗ đen lên Mặt Trời. Với nguyệt thực, Mặt Trăng tối đi và đôi khi có màu đỏ. Với nguyệt thực một phần, bóng của Trái Đất không bao phủ hoàn toàn Mặt Trăng nhưng nguyệt thực từng phần vẫn là trải nghiệm tuyệt vời.
"Nguyệt thực một phần có thể không ngoạn mục bằng nguyệt thực toàn phần - khi Mặt Trăng hoàn toàn bị che phủ trong bóng của Trái Đất - nhưng nguyệt thực một phần xảy ra thường xuyên hơn" - NASA thông tin trên website.
Quốc Tiệp (theo Vietnamnet, Lao động)