Ngày 20/11 là ngày để các thế hệ học trò tri ân thầy cô giáo. Tuy nhiên, thay vì những lời chúc giản dị, những tấm thiệp tự làm, những bông hoa tinh khôi…, ngày nay nhiều phụ huynh lại chọn “hoa đồng tiền”, “hoa phong bì” để làm quà tặng cảm tạ “người đưa đò” của mình, của các con em mình.
Thế mới có chuyện ngày 20/11 cách đây không xa, một trường mầm non ở TP.HCM đã phải thông báo đến phụ huynh việc nhà trường không nhận bất cứ món quà nào dưới bất cứ với hình thức nào.
Không ít thì nhiều, việc công khai “không nhận quà” là một sự mạnh dạn của nhà trường. Điều này đã phần nào giúp giải tỏa tâm lý cho phụ huynh. Họ không còn phải nặng nề chuyện mua gì, tặng gì cho thầy cô... Vậy nhưng phảng phất đằng sau quy định “không nhận quà” có rất nhiều điều đáng trăn trở.
Không thể phủ nhận thực trạng phụ huynh tặng quà thầy cô giáo bằng hoa đồng tiền, hoa phong bì để thể hiện rõ hàm ý “mua chuộc”. Trên thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ “người đưa đò” coi nặng chuyện quà cáp, từ đó mới nảy sinh khái niệm “trò yêu”, “trò ghét”.
Thay cho sự trân trọng, chân thành, những món quà ít nhiều mang dáng dấp của sự toan tính, hơn thiệt từ cả phía người nhận, người tặng. Những món quà dành tặng thầy cô lẽ ra đáng được nâng niu vì thế trở nên vô cùng “nhạy cảm”. Xưa hoa hồng tặng cô nay đã là “hoa phong bì”.
Nhiều người thuộc thế hệ “cổ lỗ sĩ” thấy con cái tất bật chuẩn bị cho lễ “tôn sư, trọng đạo” mà ngao ngán than rằng: Không hiểu vì sao cái tình thầy trò giờ không còn ấm áp vô tư như xưa nữa? Xã hội thay đổi nên con mắt nhìn người thầy cũng méo mó đi chăng?
Thiết nghĩ, chuẩn mực của người thầy giờ ra sao cho đúng đạo? Cả những kỷ luật với trò bắt úp mặt vào tường, bắt lau bảng khi phạm lỗi để cho trò đi vào nếp nghĩ cũng rất cần.
Nhớ lại chuyện ngày đi học, có một cậu trò nghịch ngợm, cô giáo phạt úp mặt vào tường. Vẩy mực vào vở để trêu bạn, cô bắt chép lại 10 lần trang viết. Cậu trò ấy đã là giám đốc một công ty có tiếng mà vẫn chả quên tìm thăm cô ngày tết, ngày 20/11!
Hoá ra cô giáo kỷ luật nghiêm lại cho cậu trò nhớ cô mãi, ơn cô mãi đó. Nhưng giờ thì sao cách ứng xử giữa cô và trò cứ như sinh sự với nhau, phụ huynh không chung lòng với cô thầy dạy con mình cho tử tế. Cũng bởi nhiều phụ huynh con hư, học kém vẫn mua được lời khen, cái sự bỏ qua của thầy cô bằng gói quà và cái phong bì!
Nhắc đến chuyện “hoa phong bì”, nhiều người lại nhớ đã đọc ở đâu đó những tâm sự đắng lòng của một cô giáo tâm huyết với nghề sợ đến ngày Hiến chương ngành giáo.
Cô này chia sẻ: “Có phụ huynh còn cho rằng càng gần đến ngày 20/11 thì thầy cô giáo càng cau có, khó tính, khắt khe để đòi quà cha mẹ học sinh.
Có phụ huynh đến gặp và nhét cái phong bì vào tay tôi cùng lời nói: Các cô lương ít, thôi thì cầm tạm mua cái áo mới xem như quà 20/11 của cháu và bỏ qua cho cháu vì đã trót hỗn láo với cô.
Thú thật, nghe phụ huynh nói vậy, tôi chỉ biết rơm rớm nước mắt. Một cảm giác buồn chán, thất vọng trào lên tận cổ vì lương tâm nghề nghiệp đã bị đem ra đong đếm bằng tiền.Tôi kiên quyết trả lại chiếc phong bì cho phụ huynh, về nhà tôi cảm thấy tình cảm thầy trò sao quá mong manh?”.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Có phụ huynh xem đó là “mua chuộc” thì cũng có những ông bố bà mẹ nhìn nhận việc nhớ đến thầy cô, tri ân thầy cô là cách để giáo dục, để bồi đắp tâm hồn, niềm tin cho con trẻ. Một cách giáo dục hiệu quả về... quyền được yêu thương, bày tỏ sự biết ơn?
Và chắc chắn không phải thầy cô nào cũng xem nặng giá trị quà tặng. Số đông những người nhà giáo tâm huyết, yêu nghề, điều họ mong mỏi nhất vẫn là sự trưởng thành của học trò. Mong muốn được học trò thể hiện yêu thương, nhớ đến mình là tình cảm tự nhiên nhất của con người và hoàn toàn chính đáng.
Thực tế, có nhiều trường “mạnh dạn” ban hành quy định “không nhận quà” với mong muốn tạo sự trong sạch cho giáo viên, công bằng cho trẻ và giảm áp lực cho phụ huynh. Nhưng rồi, chính những người ban hành quy định đó cũng phải tự hỏi như vậy có phải là một rào chắn, tước đi rất nhiều thứ quý giá - quý hơn cả những món quà - là tình cảm thầy trò?
Vì thế, ngày 20/11 sắp tới rồi, xin các phụ huynh đừng tặng hoa đồng tiền hay hoa phong bì cho các thầy cô. Bởi đơn giản chúng dễ bị biến tướng, dễ bị hiểu nhầm, dễ bị làm mất đi thứ tình cảm cao quý đang bị lung lay. Trong khi đó, trong hiện tại, việc bồi dưỡng, vun đắp tình cảm lại càng cần thiết.
Diệp Chi