Có thể nhận thấy rằng, dù lấy tên là ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng mỗi nơi trên Trái đất lại kỷ niệm 8/3 theo cách riêng. Và trong khi cư dân mạng trên khắp thế giới đang tích cực lan toả hashtag #BeBoldForChange (dũng cảm để thay đổi) - chủ đề ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay nhằm cổ vũ mọi người trên đứng lên và hành động quyết liệt để tiến tới bình đẳng giới thì đa số cư dân mạng Việt Nam lại dành sự quan tâm lớn cho chuyện quà cáp vào dịp này.
Trên mạng xã hội, những vụ ồn ào xoay quanh các diễn biến quan trọng của kinh tế - xã hội, giá vàng, giá xăng hay scandal ngoại tình chấn động làng giải trí dường như lắng xuống, nhường chỗ cho chị em chia sẻ wishlist (danh sách liệt kê những món quà mơ ước) của mình và bình phẩm về wishlist của nhau trong các nhóm kín. Ngoài đời thực cũng bắt đầu nhen nhóm những biểu hiện của một cuộc chạy đua "vũ trang", khi phái đẹp rỉ tai nhau dò hỏi: "Đã nhận được quà chưa?", "Anh ấy định mua cho bà cái gì?"...
Thực ra, tình trạng này xảy ra ở tất cả các ngày lễ mà chị em có nhu cầu được tặng quà (bao gồm cả Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Ngưu lang Chức Nữ) chứ không riêng gì ngày 8/3.
Dĩ nhiên, những ước ao của chị em không bị ai đánh thuế, việc đòi/khoe những món quà giá trị cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mực nước biển dâng hay nền hoà bình thế giới. Nhưng ngẫm ra, chính những cô gái chỉ biết nằng nặc đòi quà bạn trai/chồng vào mọi dịp lễ tết mà không quan tâm đến hoàn cảnh cũng như ví tiền của anh ta đã và đang làm sai lệch ý nghĩa thực sự của ngày 8/3 - ngày của Phụ nữ Bình quyền.
Theo thống kê tại các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. Những người phụ nữ ấy không dám mơ tới hoa hồng cho ngày 8/3, vì bản thân họ còn đang vất vả đấu tranh để giành lấy cơ hội được sống trọn vẹn trong mọi ngày thường.
Họ là những đối tượng cần được lên tiếng, cần được bảo vệ, và hơn ai hết, họ cần hiểu được quyền của phụ nữ và tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển xã hội.
Người xưa có câu: Khoe khoang thứ gì thì chính là trong lòng đang khuyết thiếu thứ ấy. Rõ ràng, chỉ có phụ nữ tự ti (và có phần thiếu hiểu biết) mới phải vòi quà, khoe quà ngày 8/3. Bạn càng để tâm đến việc tặng quà vào ngày lễ bao nhiêu thì càng chứng tỏ bạn tự ti về tình cảm người đó dành cho mình bấy nhiêu.
Nhân đây, tôi muốn gửi đến các chàng trai một lời khuyên: Đừng lãng phí thời gian và tình cảm với những cô gái hay vòi quà. Phụ nữ vốn là giống loài nhạy cảm, tinh tế. Khi một người phụ nữ bắt bạn phải mua quà theo yêu cầu của cô ta thì chỉ do hai nguyên nhân: Cô ta hoặc không muốn thua chị kém em hoặc sống theo kiểu đào mỏ, dựa dẫm đã quen.
Diên Anh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả