Trong nhiều năm, nhiều chuyên gia và chính trị gia đã kêu gọi thực hiện các thay đổi đối với lĩnh vực giao thông vận tải. Nguyên nhân chính thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng là nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine đã thúc đẩy một nguyên nhân khác: việc sử dụng tàu hỏa, xe điện và xe buýt thay vì ô tô sẽ giúp châu Âu giảm tiêu thụ nhiên liệu vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Nga.
Đức
Hạ viện Đức (Bundestag) mới đây đã ra mắt gói cứu trợ cung cấp vé phương tiện giao thông công cộng trong khu vực với giá rẻ 9 Euro (9,65 USD)/ tháng trong vòng 3 tháng bắt đầu từ 1/6/2022. Các nhà lập pháp mong đợi chính sách mới sẽ khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì ô tô riêng, đồng thời giúp mọi người tiết kiệm chi phí đi lại.
Vào năm ngoái, công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn ghi nhận khoảng 8 triệu lượt hành khách mỗi ngày. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, lượng hành khách vào năm nay dự báo sẽ gia tăng.
Một số quốc gia và thành phố khác tại khu vực châu Âu cũng đang triển khai hoặc có lên kế hoạch tương tự nhằm thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng.
Luxembourg
Luxembourg đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới miễn phí toàn bộ phương tiện giao thông công cộng trên toàn quốc. Kể từ ngày 1/3/2020, bất kỳ ai sinh sống tại Luxembourg đều có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu hoả và xe buýt mà không cần chi trả một đồng nào.
Chính sách này cũng áp dụng cho cả lao động và du khách nước ngoài. Khoảng 45% lao động đi lại bằng vé tháng đến Luxembourg là từ các nước láng giềng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Francois Bausch nhận định việc miễn phí giao thông công cộng cho tất cả mọi người là bước tiến lớn đối với xã hội, "Chính phủ muốn Luxembourg trở thành một thí nghiệm cho việc đi lại".
Với dân số tăng 40% trong vòng 2 thập kỷ qua, việc tăng cường sử dụng phương tiện công cộng sẽ giúp giao thông của quốc gia châu Âu nhỏ bé này ổn định hơn.
Bộ Giao thông vận tải Luxembourg đã không công bố lượng hành khách, tuy nhiên việc áp đặt các biện pháp phòng dịch Covid-19 sau khi miễn phí cho người dân tham gia giao thông công cộng có khả năng đã làm giảm lượng khách. Nhiều loại xe buýt, xe lửa và xe điện công cộng của đất nước được tài trợ bởi người đóng thuế.
Malta
Malta, quốc đảo tại Nam Âu, đang có kế hoạch miễn phí giao thông công cộng cho tất cả mọi người từ ngày 1/10 tới. Chính sách đi vào thực hiện sẽ giúp Malta trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu miễn phí giao thông công cộng đối với người dân cũng như du khách. Người dân và khách du lịch cần làm thủ tục đăng ký vé để được đi xe buýt và xe lửa miễn phí.
Nhà báo Bertrand Borg của Times of Malta chia sẻ với hãng tin DW vào tháng 10/2021 rằng một trong những mục đích của sáng kiến này nhằm không khuyến khích người dân sử dụng ô tô riêng. Nguồn tài trợ cho chương trình này cũng từ người đóng thuế. Số liệu về chi phí dự kiến vẫn chưa được công bố.
Thành phố Hasselt, Bỉ
Trong khi các quốc gia như Luxembourg và Malta đã triển khai hoặc có kế hoạch cung cấp phương tiện giao thông công cộng miễn phí trên phạm vi toàn quốc, một số thị trấn và thành phố tại châu Âu cũng đã đưa ra các sáng kiến, chẳng hạn như thành phố Hasselt tại Bỉ.
Các quan chức thành phố đã thu phí trở lại đối với giao thông công cộng từ năm 2013, trước đó được miễn phí trong suốt 16 năm. Nguyên nhân tái thu phí là do chi phí vận hành tăng cao.
Thủ đô Tallinn, Estonia
Từ năm 2013, tất cả người dân thủ đô Tallinn của Estonia có thể đi xe buýt và xe lửa nội thành miễn phí, đây là một phần trong những nỗ lực của giới chức nhằm hỗ trợ chi phí đi lại cho người dân trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Kế hoạch này cần hỗ trợ đáng kể từ tiền thuế.
Hệ thống đã hoạt động bình thường cho đến nay mà không xảy ra sự cố lớn nào. Cô Evelyn Kaldoja, nhà báo người Estonia, cho biết phương tiện giao thông công cộng vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở nước này, "Mọi người phàn nàn rằng quá ít kết nối” khiến giao thông công cộng kém thu hút người lao động.
Cô Evelyn Kaldoja chia sẻ "Mặc dù giao thông công cộng miễn phí, nhưng mọi người vẫn sử dụng ô tô”. Lượng ô tô trên đường phố Tallinn đã không giảm đi, mà nếu có giảm thì nhà báo Evelyn Kaldoja cho rằng nguyên nhân có thể do giá xăng tăng. Theo sau thủ đô Tallinn, nhiều vùng tại Estonia cũng đã miễn phí giao thông công cộng.
Dunkirk, Pháp
Tại thành phố Dunkirk của Pháp, chính sách cung cấp dịch vụ xe buýt và xe lửa miễn phí đã giúp giảm bớt sức ép đối với giao thông. Kể từ năm 2018, người dân thành phố này có thể sử dụng miễn phí các phương tiện công cộng.
Theo một nghiên cứu được tiến hành vài tháng sau khi chính sách này đi vào thực hiện, mặc dù 2/3 số người được hỏi vẫn phụ thuộc vào ô tô nhưng hơn một nửa đã thường xuyên di chuyển bằng xe buýt. Thậm chí khoảng 5% số người được khảo sát cho biết sự sẵn có của xe buýt miễn phí đã thúc đẩy họ bán hoặc không mua chiếc xe thứ hai.
Đảo tại Đan Mạch
Một số hòn đảo của Đan Mạch đã tạm thời miễn phí giao thông công cộng vì nguyên nhân kinh tế. Bà Lina Holm-Jacobsen, người phát ngôn của tổ chức Visit Đan Mạch, chia sẻ với hãng tin DW rằng kế hoạch này nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi.
Vào mùa hè năm 2020 và 2021, giới chức đã miễn phí đi thuyền đến những hòn đảo với du khách không có ô tô. Mặc dù không còn miễn phí đi thuyền vào năm 2022, du khách vẫn được hỗ trợ bởi vé giao thông công cộng giảm giá.
Phạm Hà Thanh (theo DW, Free Public Transport.info)