Các trang tin giả mạo thường đăng những câu chuyện trông có vẻ như là những bài báo thực sự, nhưng những bài báo đó hoàn toàn là 'hàng giả'. Các trang này được lập ra và duy trì với mục đích kiếm tiền chủ yếu từ quảng cáo, và đang 'tiến hóa' theo nhiều xu hướng khác nhau.
Thứ nhất, chúng ta thường quan tâm nhiều hơn đến các tin tức về những sự kiện xảy ra tại nơi ta sống, và những kẻ lừa đảo đang lợi dụng xu hướng này để trục lợi. Một phương pháp mà các tên lừa đảo thường dùng là tạo ra nhiều bản sao của cùng một bản tin giả mạo về một cuộc tấn công khủng bố khiến nhiều người chết tại một thành phố, trong đó, mỗi bản sao được chỉnh sửa để nói về các thành phố khác nhau.
Các tên lừa đảo sẽ đăng những bài báo này lên một hay nhiều trang mạng, rồi sau đó tham gia vào những nhóm trên Facebook tập trung ở những địa điểm có tên trong các bài báo giả mạo. Một khi đã được cho phép tham gia vào nhóm, chúng sẽ chia sẻ liên kết dẫn đến những bài báo nói trên với tất cả các thành viên nhằm đảm bảo rằng người dân ở một thành phố sẽ biết đến các tin tức giả mạo về thành phố đó. Những người bấm vào liên kết và chia sẻ với những người khác trong khu vực này sẽ làm tăng lượt truy cập vào các trang mạng chứa tin giả mạo nói trên.
Thứ hai là xu hướng giả mạo các trang tin có thật. Năm ngoái, những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, lúc bấy giờ đang chạy đua vào vị trí Tổng thống Mỹ, đã đổ xô vào một trang mạng mà họ nghĩ là hãng tin ABC News để tham gia một cuộc bầu chọn trực tuyến về người mà họ sẽ ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ông D. Trump đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu giả mạo này. Cư dân mạng sau đó đã chia sẻ kết quả trên lên mạng xã hội Twitter như là bằng chứng cho thấy vị ứng cử viên này sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Trang mạng này, sau đó đã được gỡ xuống, là một bản sao khá thuyết phục của trang tin ABC News thực sự. Tên miền của trang tin giả mạo này là ABCNewsGo.co, rất dễ nhầm lẫn với tên miền của trang tin ABC News là ABCNews.go.com.
Ngày càng có nhiều trang tin giả mạo xuất hiện với tên miền tương tự như những trang tin thật, như CNNInternationalNews.com, World-BBC-News.com, BBC-Breaking-News.gq, CBCNews.gq,.... Vì vi phạm bản quyền của những hãng tin có thật, nên những trang tin giả mạo thường không tồn tại lâu. Nhưng tất cả những gì các kẻ lừa đảo cần chỉ là một vài ngày thu hút được nhiều sự chú ý để có thể thu tiền về. Sau đó chúng sẽ tìm một tên miền mới và lại bắt đầu từ đầu.
Bên cạnh đó, một trong những xu hướng đáng báo động nhất về các trang tin giả mạo trong năm 2016 là những tên lừa đảo bắt đầu cài đặt xen kẽ các sự kiện có thật cùng với những tin tức giả mạo trên các trang tin. Chẳng hạn như trên trang News Examiner của mình, Paul Horner, kẻ chuyên "sáng tác" các bản tin giả mạo, đã từng đăng một tin bịa đặt về việc cựu Tổng thống Barack Obama cấm thực hiện Lời tuyên thệ trung thành, ngay bên cạnh một câu chuyện có thật về một vận động viên Olympic.
Lý do cho những mánh khóe này là các tin tức có thật chắc chắn có thể đem lại lượt truy cập, nhưng quan trọng hơn là nếu người đọc thấy một câu chuyện mà họ biết là có thật trên một trang tin, họ sẽ dễ tin hơn vào các tin tức hoàn toàn giả mạo được đặt ngay cạnh đó. Lẫn lộn thật-giả có thể dễ thuyết phục người đọc tin rằng một trang tin giả mạo là đáng tin cậy.
Hiện nay, các tin tức giả mạo đã trở thành một mô hình kinh doanh mới. Đại đa số các trang tin giả tạo tồn tại với mục đích kiếm tiền từ các quảng cáo. Tuy nhiên, "cha đẻ" của các trang tin này còn nhiều cách khác để tạo doanh thu.
Các trang chứa thông tin giả mạo về cuộc tấn công khủng bố nói trên thực ra đang hướng đến ba mục đích: truyền mã độc vào máy tính của người dùng, lừa người đọc cung cấp các thông tin cá nhân, hay chuyển hướng các lượt truy cập vào các trang trò chơi trực tuyến để hưởng hoa hồng.
Theo TTXVN