Cách đây đúng 10 năm, ngày 11/9 đã trở thành một ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ, người dân chắc chắn sẽ không bao giờ quên thời khắc bị tấn công. Tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York, biểu tưởng cho sự phồn thịnh của nước Mỹ đã sụp đổ chỉ chưa đầy 1 giờ bị tấn công và sự kiện này đã vượt quá sức tưởng tượng của các nhà làm phim hành động của Mỹ.
Sự kiện 11 tháng 9 là một loạt tấn công khủng bố cảm tử có phối hợp tại Hoa Kỳ diễn ra vào thứ Ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boeing đang trên đường bay nội địa trong nước Mỹ. Nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, Thành phố New York – mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút.
Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sụp đổ. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu năm góc ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, cách Pittsburgh 129 km về phía Đông, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.
Vụ khủng bố liên hoàn ngày 11/9/2001 diễn ra trong vòng 102 phút, tính từ khi Trung tâm thương mại thế giới bị tấn công cho đến lúc tòa phía bắc của Tháp Đôi sụp đổ hoàn toàn. 102 phút kinh hoàng đã làm thay đổi nước Mỹ và thế giới.
Cảnh tượng hoảng loạn, những cột lửa và khói đen khổng lồ như muốn thiêu rụi cả thành phố New York ngày ấy, giờ vẫn ám ảnh không chỉ người dân Mỹ. 2.996 sinh linh thuộc 70 quốc gia bị mất, 18.000 doanh nghiệp nhỏ ở thành phố New York bị phá sản hoặc mất trụ sở, cổ phiếu chứng khoán bị mất giá 1.400 tỷ USD trong tuần đầu tiên và hơn 40 tỷ USD chi riêng cho bồi thường bảo hiểm.
Tròn 10 năm kể từ thảm họa 11/9, nước Mỹ vẫn phát triển và có nhiều đổi thay, an ninh đã được bảo đảm tốt hơn, nhưng đan xen ngổn ngang những việc phải làm là mối lo chưa dứt.
Trong 10 năm qua, thành công lớn nhất của nước Mỹ là không để xảy ra bất kỳ vụ khủng bố nào. Nước Mỹ đã phá hàng loạt âm mưu khủng bố như vụ mùa Hè năm 2002, một nhóm khủng bố định cướp máy bay đâm vào tòa tháp US Bank Tower ở thành phố Los Angeles; vụ đưa chất nổ lỏng lên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương trước đêm Noel 2006 hoặc âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010.
Thế nhưng, trên toàn thế giới, trong 10 năm qua, các hành động khủng bố quy mô nhỏ vẫn diễn ra thường xuyên. Theo thống kê của các tổ chức theo dõi chống khủng bố, riêng trong 8 tháng đầu năm nay, đã xảy ra ít nhất 110 vụ khủng bố trên khắp các châu lục và riêng tại Pakistan từ năm 2003 tới nay đã có hơn 36.000 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực và khủng bố.
Vụ lính đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osamar bin Laden trong chiến dịch "Ngọn giáo Hải vương" (Neptune' Spear) đêm 2/5 vừa qua được cho là đã mang lại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama rất nhiều lời khen ngợi và người dân Mỹ "vỡ òa" trong niềm hân hoan. Tuy nhiên, ngay cả ông Obama, trong bài phát biểu tung hô chiến tích này vẫn phải thừa nhận "chắc chắn al-Qaeda sẽ còn tiếp tục thực hiện các vụ tấn công."
Hậu quả còn kéo dài và dai dẳng. Ngay một năm sau thảm kịch, một tháp tưởng niệm đã được dựng lên tại Lầu Năm Góc, nhưng việc xây dựng lại khu tòa Tháp đôi ở New York vẫn ngổn ngang.
10 năm sau vụ khủng bố, chỉ có một tòa nhà cao 541 mét, cao thứ hai ở khu vực Bắc Mỹ sau tháp truyền hình ở Toronto ở Canada đang được hoàn tất. 3 tòa tháp khác, 1 khu tưởng niệm và 1 khu bảo tàng mới thi công xong phần móng.
Đến tháng 8/2011, các nhóm nhân chủng học mới chỉ nhận dạng được di hài và tư trang của 1.631 người, số nạn nhân xấu số chưa được nhận dạng chiếm đến 41%.
Chưa kể hàng nghìn người trong 40.000 công nhân và tình nguyện viên dọn đống đổ nát tòa Tháp đôi ngày ấy, nay đã bị chết vì bệnh hoặc đang khiếu kiện vì quỹ bồi thường của chính phủ không công nhận bệnh ung thư mà họ mang trên mình là do nhiễm phải trong quá trình dọn đống đổ nát Tòa tháp đôi.
Theo kết quả một nghiên cứu lớn đối với gần 10.000 công nhân làm việc tại nơi tòa tháp đôi sụp đổ và cư dân gần đó, được công bố 5 năm sau vụ tấn công, 70% trong số họ đối mặt với những vấn đề mới về phổi hoặc bệnh phổi trở nên trầm trọng hơn sau vụ 11/9. Tại New York, khoảng 5.000 cư dân thường xuyên đi khám bệnh tại Trung tâm Điều trị và giám sát y tế WTC tại Long Island, một phần trong nỗ lực kiểm tra sức khỏe của họ.
Ông Feal cho biết một số bệnh nhân có bảo hiểm y tế, số khác không có. Những người bị ốm và mất việc thì đương đầu với hóa đơn khám bệnh lên tới hàng chục nghìn USD. Chính vì vậy, nhưng di chứng sau vụ 11/9, đặc biệt là căn bệnh ung thư, đang trở thành vấn đề đe dọa gây nên những cơn bão chính trị trong lòng nước Mỹ.
Xem Video về vụ khủng bố 11/9/2001
Thủy Bình (tổng hợp)