Làm nghề viết, tôi hay ghi lại những sự kiện xảy ra làm tư liệu. Không hẳn là ghi kiểu báo hay chép kiểu lịch sử, mà đơn giản ghi lại suy nghĩ, cảm xúc thời điểm ấy, về những điều mình lưu tâm trước những sự kiện xảy ra trong đời sống.
Thời điểm này, năm ngoái đã là tết âm. Tết “hậu covid” buồn và tĩnh lặng hơn các năm trước đó. Và năm trước đó nữa, đang tràn ngập covid. Hồi ấy là những ngày covid bùng phát dữ dội, và bây giờ, những ngày này chúng ta đang xử lý “hậu covid”.
Giờ ngồi đọc lại những gì ghi chép ngày ấy, thấy nhiều điều khá thú vị. Ngay từ hồi đầu dịch, tôi từng viết 2 ý. Một là cái con covid ấy mà, chắc nó cũng như con sởi con ho gà uốn ván, con tả con lỵ con sốt rét vân vân. Có thể hồi đầu mới nó còn sung sức, sau thì nó chả khác quái gì cúm mùa. Và đúng là, tới giờ bộ Y tế đã xếp covid vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, cùng nhóm với những là cúm, sởi, sốt xuất huyết... thông thường.
Nhớ hồi còn làm giáo viên thỉnh giảng cho một trường Văn hóa Nghệ thuật, tôi từng tán với học trò, rằng thượng đế nuôi chúng ta giống hệt chúng ta nuôi gà vịt trâu bò thế. Khác là chúng ta ăn thịt chúng, còn thượng đế thì xơi cái linh hồn chúng ta. Nên ngày nào cũng có người chết lai rai. Ấy là thượng đế bắt chúng ta làm thực phẩm hàng ngày thôi.
Gặp dịp tổng kết 5 năm 10 năm hoặc 50 năm, rồi đại hội đại hiếc, liên hoan liên hiếc, tổng kết tổng kiếc... cần nhiều thực phẩm thì bèn sinh ra đại dịch, như dịch hạch ư, thổ tả ư, Sida ư, chiến tranh ư, tai nạn giao thông ư vân vân...
Và con người không thể tuyệt diệt bởi chúng ta là thực phẩm của thượng đế, giống như gà vịt ngan ngỗng bò lợn không thể không có trong bữa ăn chúng ta, thì chúng ta cũng không thể thiếu với thượng đế...
Tất nhiên là tôi tán với học trò để mở rộng kiến thức, để nói với chúng rằng, cuộc sống nó thế, nhìn thoáng đi, nghĩ thoáng đi, thì thấy nó cũng đơn giản, cũng dễ sống...
Thứ 2 nữa, biết đâu đây là cách thượng đế thử thách chúng ta. Cả ở khả năng sinh tồn lẫn khả năng đề kháng với tiêu cực. Sinh tồn là với con dân, với người bình thường, còn đề kháng là với cán bộ...
Và té ra cuộc thử thách ấy, thượng đế đã... "thành công". Phải rất đau xót và đau đớn mà nói lên điều ấy.
Nhiều người đã mất, trong đó vẫn đang có ý kiến là một số mất do chính cách chống dịch ban đầu của chúng ta.
Nhưng sau đấy, đau xót hơn nữa, nhiều cán bộ của ta dính "đạn bọc đường". Đạn bọc đường là cái cách chúng ta hay dùng một thời để nói về một số cán bộ "ăn phải bả" thực dân đế quốc, bị sự "hào nhoáng bề ngoài" của bọn “đế quốc sài lang” nó bắn gục, bị sự xa hoa phồn vinh giả tạo nó tiêu diệt.
Tôi nhớ ngay sau năm 1975 cái câu “đạn bọc đường” thường xuyên được cán bộ nhắc nhau để không bị trúng đạn, không phải ăn trúng thứ đạn mà không phải đạn, kẹo cũng không phải là kẹo ấy.
Và câu “Phồn vinh giả tạo” là mẹ tôi thường xuyên “thấm nhuần” cho anh em tôi để không bị lung lạc khi từ Bắc về quê ba ở Huế sống.
Mới thấy, đời chúng ta mong manh lắm, dễ vỡ lắm, trước cả thiên nhiên vĩ đại nhưng đầy bất trắc khôn lường, đầy bí ẩn hun hút, và trước cả... chính chúng ta. Tham thì dễ chết lắm, nhưng không tham cũng chưa chắc tránh được.
Thì ngay ở vụ Việt Á ấy, sau này ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tiêu cực cũng phân loại, loại cố ý và loại vô tình, loại gạ gẫm mặc cả và loại vô tình được biếu, “bắt buộc” phải tham, phải phạm tội.
Xưa các cụ của chúng ta rất hay, để tránh chốn ô trọc thì treo ấn từ quan. Giờ treo ấn cũng đâu có dễ. Vả, có anh treo ấn cả chục năm vẫn bị gọi tên. Chả biết ở đâu ra mà lắm củi thế không biết. Củi già có, củi non củi mới có, giờ ra ngoài đường nhìn ai cũng thấy... giống củi.
Lại nghĩ, thế giới cũng chống, trốn, chịu, dịch covid như chúng ta, có nước nào mà “rụng” nhiều cán bộ thế không nhỉ?
Hôm qua tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế lại vừa mang ông giám đốc CDC tỉnh này ra xử. Theo cáo trạng, ông này nhận “lại quả” hơn hai trăm triệu đồng. Nhiều người ngạc nhiên: Hai trăm triệu, ít quá. Đấy, con Covid nó tài, nó biến hai trăm triệu đồng tiền Việt thành “ít quá”, mới có hơn hai năm lương của một người về hưu chứ mấy?
Là nghĩ thế mà thấy... tiếc. Tiếc cán bộ, tiếc tiền, tiếc vì sự phung phí niềm tin vào “một bộ phận” công bộc. Vừa tiếc vừa phục ông/ bà Covid (vì chưa hình dung ra giới tính của con covid). Trên hết là nể thượng đế, lâu lâu ngài làm trận cuồng phong, và con người mới hiểu thêm về nhau...
Bởi vẫn có những câu chuyện tôi đã ghi lại như thế này giữa những ngày chống dịch: "Một anh grabbike chở một nữ bác sĩ vào bệnh viện và đã cương quyết không nhận tiền. Nhưng câu này mới khiến lòng người bị lay động: Em mà lấy tiền chị là em có tội với Tổ Quốc à? Nhận tiền lúc này của bác sĩ là có tội với Tổ Quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc?
Trời ơi từ bé tới giờ chúng ta được học, được dạy, được tiếp xúc hàng ngày với Tổ Quốc, nhưng đa phần thấy Tổ quốc là xa vời, là to lớn, là mênh mông, là cái gì đấy trừu tượng lắm.
Anh grab, tức xe ôm, cái nghề có thể nói là bình dân nhất, vất vả nhất xã hội, thời dịch càng ế khách, quần quật giữa những ngày nắng này để kiếm vài chục bạc nuôi thân và nuôi gia đình, đã cho chúng ta hiểu thêm về một khía cạnh của Tổ quốc, và té ra, nó gần gũi thân thương, nó đầm ấm nghĩa tình, nó cao thượng và bình dị, nó là sự hy sinh nhường nhịn, là sự thông cảm và chia sẻ, sự bù đắp biết ơn tự đáy lòng, không toan tính không thiệt hơn, không rổn rảng không phô bày, nó là sự tự nguyện hết sức tự giác, là sự biết ơn và trả nghĩa thầm lặng, với Tổ quốc, và Tổ quốc ở đây hiện thân chính là chị bác sĩ khách hàng của anh xe ôm. Và nó vẫn rất thiêng liêng”.