Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường đại học Đà Lạt, tôi về lại quê hương Quảng Trị xin dạy hợp đồng cho một trường THCS ở huyện nhà. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, tôi bị phòng Giáo dục cắt hợp đồng với lý do không đủ tiền lương để chi trả.
Tiết dạy cuối cùng, có lẽ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên với bài học “Buổi học cuối cùng” (Ngữ văn 6) của nhà văn A. Đô-đê. Bài học nói về thầy giáo Hamen bịn rịn đau buồn phải chia tay lớp học vì cuộc chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra. Tôi từ biệt học sinh, ngôi trường cùng với đồng nghiệp mà đã 15 năm chưa có lần trở lại.
Tha hương cầu thực, tôi dừng chân ở mảnh đất TP.HCM và tiếp tục theo đuổi đam mê với sự nghiệp trồng người. Làm nghề giáo, vui buồn lẫn lộn với lứa tuổi học sinh ở bậc THPT và có rất nhiều kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.
Ngày… tháng… năm...
“Thầy ơi! Hôm nay con sẽ nhịn ăn luôn 3 bữa vì thầy lạnh lùng với con. Chừng nào thầy không hiểu con thì con sẽ còn nhịn đói dài dài, lúc đó thầy có… thương con cũng muộn”, lời một nữ sinh lớp 10 của trường nội trú THPT H.B. thổ lộ.
Hiểu được học sinh đã “cảm nắng cảm mưa” mình, người thầy 23 tuổi cũng không khỏi bối rối. Thế nhưng, học sinh Sài Gòn có cách xưng hô rất hay, rất lạ là “con”, “thầy” nên tôi nghĩ mình là một người cha…
Ngày… tháng… năm...
Chiều thứ Bảy cuối tuần, đọc tin nhắn của một nam sinh: “Thầy ơi! Hôm nay mẹ con làm món vịt quay, đúng với sở thích của con. Nhưng mà, con đang bị cảm thì có ăn được không hả thầy”. Em thật thà đến mức dễ thương, khiến tôi nghĩ mình cũng là… thầy thuốc.
Ngày… tháng… năm...
Đang giờ giải lao buổi sáng, bỗng một nữ sinh chạy vào phòng nghỉ giáo viên, khuôn mặt tỏ ra vẻ nghiêm trọng, nói: “Thầy ơi! Về lớp nhanh! (lớp chủ nhiệm). Mấy bạn nam đang đánh nhau”.
Tôi chạy nhanh về lớp thì nghe được những tràng cười sảng khoái. “Thầy ơi! Tụi con rất xin lỗi thầy”. Và bài hát “Happy birthday to you” vang lên giòn giã. Đại diện lớp trưởng nói, chúc thầy sinh nhật mạnh khỏe và mãi mãi là thần tượng của chúng con. Hú vía, tôi vừa hạnh phúc vô bờ và tim gần như bay ra khỏi lồng ngực vì quá xúc động.
Ngày… tháng… năm...
Một nữ sinh (khoảng gần 70kg) nhắn tin: “Thầy ơi! Con hỏi thầy chuyện này nè (mà cấm thầy nói với ai đó). Bạn L. (nam sinh) bàn cuối ngày nào cũng mua đồ ăn và trà sữa cho con. Nếu con lấy thì bạn đó nghĩ con thích bạn, mà con thì chưa muốn… yêu. Còn không lấy thì nói thật với với thầy, con… cũng thèm. Vậy, làm sao hả thầy?”.
Tình huống này quả là sách vở chưa dạy vì câu hỏi đúng là hại não.
Ngày…tháng…năm...
“Tôi xin phép thầy cho cháu H.C.T. nghỉ học vì nó vừa bị té xe”, phụ huynh gọi điện nói với tôi. Tôi đáp: “Sao một tuần mà em nó té xe những 3 lần vậy chị? Tôi nghĩ đến nhiều chuyện không hay. Chị nên quản lý cháu tốt”.
Hôm sau, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) điện thoại cho tôi, nói: “Học sinh thầy, tên H.C.T. cướp giật giỏ xách vừa bị bắt. Thầy đại diện gia đình ra cơ quan làm việc vì hiện tại học sinh không khai về cha mẹ”.
Tôi linh cảm đúng…
Ngày…tháng…năm...
“A lô. Hoài đó hả. Cô Hiệu Phó trường H.Đ. nói anh (bảo vệ) gọi điện cho em gấp xem có phải thông tin như phụ huynh nói không”.
“Chuyện gì vậy anh?”, tôi hỏi.
“Phụ huynh gọi điện hỏi, thầy Hoài bị gì mà… chết vậy. Nhà trường nghe mà hoảng hồn”, anh bảo vệ nói.
Thì ra, tôi đã chuyển trường cũ H.Đ. sang trường mới THPT Bình Hưng Hòa. Một lần phụ huynh hỏi con (học ở trường H.Đ.), sao lâu nay mẹ không thấy thầy Hoài. Học sinh đáp ngắn gọn, thầy đi Bình Hưng Hòa rồi.
Mà nói đến Bình Hưng Hòa thì người dân miền Nam nghĩ ngay là vô… lò thiêu, cũng như, nói đi Biên Hòa, nghĩa là đi… nhà thương điên vậy.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, kính chúc thầy/cô trên khắp mọi miền tổ quốc “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”.
Phan Thế Hoài