Cả nước chào đón Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 đầu tiên (và từ nay sẽ là hàng năm) đúng vào dịp Quốc hội đang thảo luận và phát thanh truyền hình trực tiếp cho nhân dân cả nước thấy việc thảo luận, góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiển pháp - đạo luật cao nhất của nhà nước– thể hiện quyền làm chủ cao nhất của mỗi công dân trong điều hành bộ máy nhà nước thông qua công tác xây dựng pháp luật.
Thế nhưng cũng chính những ngày này, một sự kiện thu hút sự quan tâm của mọi diễn đàn và nhiều cá nhân, gây sốc, khiến dư luận bất ngờ, ngỡ ngàng, bùng lên giận dữ, rồi lại lặng đi xót xa là câu chuyện công dân Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân oan sai đã ở tù 10 năm, nay được trả tự do và được xem xét điều tra lại. Và rồi sau giây lát lắng xuống đau xót ấy, dư luận và những người chân chính lại bùng phẫn nộ.
Ông Nguyễn Việt Hùng, cnguyễn thanh chấnhánh văn phòng VKSND Tối cao trao quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
10 năm oan trái trong tù của một con người, 10 năm tủi nhục, tan nát của một gia đình, một dòng họ, song song với đó là 10 năm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật của kẻ thật sự phạm tội, và 10 năm thanh thản của những người đã kết án oan sai.
Liệu còn những trường hợp 10 năm, 20 năm hay cả cuộc đời oan trái nào còn đang đâu đó chưa được minh oan?. Mới thấy rằng trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn là kết cục của tất tần tật những gì quá ư là đau xót cộng lại, từ tự vô cảm, vô tâm, thiếu trách nhiệm dẫn đến độc ác của một số người được giao trọng trách thi hành pháp luật, từ sự thiếu hiểu biết, không hiểu biết và không được biết về pháp luật đến sự đơn độc thiệt thòi của người dân trước những điều mình có quyền biết có quyền yêu cầu được biết.
Thế là đã quá đủ để chúng ta biết rằng còn quá nhiều việc để pháp luật được thực thi chính xác đúng người đúng tội, để pháp luật đạt mục tiêu chuyên chính với kẻ thù và dân chủ với nhân dân.
Kể từ khi nền chuyên chính của ta có Hiến pháp đầu tiên năm vào năm 1946 đến nay, đây lần đầu tiên chúng ta có Ngày Pháp luật. Điều 8 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và Ngày Pháp luật Việt Nam được coi là một dấu ấn, một điểm nhấn quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân.
Nhân dân là toàn bộ những người trong một quốc gia hay một địa phương. Vì thế phổ biến, giáo dục pháp luật nâng, cao ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân chính là phổ biến, giáo dục pháp luật nâng, cao ý thức tuân thủ pháp luật của tất cả người dân Việt Nam, không ngoại trừ ai, từ những người được giao trọng trách xây dựng chính sách pháp luật, những người được cử thay mặt nhà nước thực thi pháp luật vào thực tế cho đến các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật.
Và cũng chính vì thế, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để Ngày Pháp luật Việt Nam thật sự được thực hiện nghiêm, dân chủ, bình đẳng, mang ý nghĩa đẹp đẽ và nhân văn, để 364 ngày còn lại của mỗi năm cũng ý nghĩa như ngày 9/11 nghiêm chỉnh, đẹp đẽ và nhân văn.
Thực tế ý thức pháp luật của mỗi người được thể hiện qua những hành vi dù ngỡ như là nhỏ nhất của mỗi người – mỗi công dân, cho dù công dân ấy ở vị trí nào trong xã hội. Vậy nhưng dường như không phải ai cũng hiểu được điều đó. Nhìn vào câu chuyện gần đây khi những chiếc xe ô tô mang biển màu xanh với số đầu đăng ký là 80 (vẫn được hiểu là xe công của các cơ quan trung ương, của cán bộ V.I.P) bị đưa vào mục tiêu của một đợt ra quân kiểm tra kiểm soát việc thực hiện pháp luật, sẽ thấy được điều đó. Đó mới chỉ là câu chuyện về những chiếc xe con của một số cơ quan có vẻ to đã tự cho mình cái quyền vượt ra khỏi quy định của những điều luật. Đó chính là một trong những hệ quả của sự thiếu ý thức pháp luật, thiếu được phổ biến tuyên truyền pháp luật. Hay là câu chuyện cơ quan công an đã phải tự ra lệnh cho chính cán bộ chiến sĩ công an rằng không được giải quyết các vi phạm phạm pháp luật theo sự nhờ vả, giấy viết tay hay những cú điện thoại của người quen.
Nhìn lại vụ việc của công dân bị kết án oan với mức tù chung thân, cho dù câu chuyện trả lại quyền công dân và cuộc sống bình thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ vừa bắt đầu nhưng đã thấy hé ra những điều đầy đau xót mà nếu trình độ pháp luật, ý thức pháp luật của những người liên quan đạt được yêu cầu của mỗi vị trí công tác thì sẽ khó có điều kiện xảy ra.
Đến mức Phó Thủ tướng cũng phải thốt lên một điều hiển nhiên rằng ép cung là vi phạm pháp luật. Đến mức Chủ tịch nước cũng phải lên tiếng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải điều tra xem xét đúng pháp luật để khôi phục danh dự và bồi thường cho công dân bị oan sai. Chưa nói đến thái độ của những người đã xét xử oan sai đẩy ông Chấn vào cảnh tù tội, hay những kẻ đã núp bóng pháp luật dùng bạo lực để ép cung người dân vô tội thành có tội, mà chỉ nói đến trình độ, ý thức pháp luật của những người được giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực này đã thấy cả một vấn đề nan giải, thật sự là mối lo ngại lớn.
Chẳng thế mà việc xây dựng pháp luật và các văn bản pháp luật, việc ứng dụng các văn bản này vào trong thực tế phải triệt để tuân thủ tiêu chí “công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Và muốn đạt được tiêu chí vô cùng quan trọng này, phải nâng cao trình độ và ý thức pháp luật từ cả hai phía - những người được giao trách nhiệm thực thi luật pháp và đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật.
Năm đầu tiên này, Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 mang chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đang đánh dấu thêm một mốc mới đáng nhớ trong công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật.
Ngày Pháp luật Việt Nam được khẳng định là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, là một cách làm hay để góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của cơ quan Nhà nước đối với nhân dân, hướng tới xây dựng hình ảnh một Nhà nước gần dân, vì dân, phục vụ nhân dân. Đồng thời, cũng nhắc nhở, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật.
Mong sao giờ đây ngày nào cũng là Ngày Pháp luật. Có như thế, ý thức pháp luật của mỗi công dân dù ở vị trí nào cũng dần được nâng lên. Trong tiến trình ấy, kỷ cương ngày càng chặt chẽ nghiêm ngặt hơn, những oan sai sẽ dần được loại bỏ và triệt tiêu. Và khi đó, mỗi ngày trong 365 ngày của năm đều là ngày trọn vẹn của đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Lý Thái Phương (VOV Online)