“Ngày tàn” của Địa ốc Alibaba đã được giới chuyên gia cảnh báo từ trước

“Ngày tàn” của Địa ốc Alibaba đã được giới chuyên gia cảnh báo từ trước

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 5, 19/09/2019 18:45

Khi biết lãnh đạo công ty Địa ốc Alibaba bị khởi tố, nhiều chuyên gia bất động sản không ngạc nhiên, bởi mô hình mà doanh nghiệp này đang hoạt động không thể bền vững. Kết cuộc của những chiêu trò bán đất theo kiểu đa cấp đã được cảnh báo từ lâu.

Hô mưa gọi gió suốt 3 năm

Theo cơ quan chức năng, công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt là công ty Alibaba) được thành lập ngày 6/5/2016, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, kinh doanh bất động sản. Khi vừa thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2016, công ty Alibaba tăng vốn lên 20 tỷ đồng. Ở lần thay đổi thứ 2 vào tháng 9/2017, công ty Alibaba tuyên bố thay đổi vốn điều lệ thành 1.600 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, công ty Alibaba và hơn 20 công ty do các cổ đông của Alibaba lập ra đã phân lô trên giấy và bán nền tại 48 khu đất phân lô trên địa bàn các tỉnh thành như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng nghìn nền đất.

Bất động sản - “Ngày tàn” của Địa ốc Alibaba đã được giới chuyên gia cảnh báo từ trước

Các "dự án ma" của công ty Địa ốc Alibaba đã bị chính quyền các địa phương vạch trần.

Tuy nhiên, chính quyền các địa phương khẳng định, những vị trí đất do công ty Alibaba rao bán không có trong quy hoạch mà là dự án phân lô bán nền, là đất nông nghiệp, do các cá nhân đứng tên.

Ước tính, công ty Alibaba đã bán nền đất và thu tiền của hơn 7.000 khách hàng với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Sau khi “làm mưa làm gió” thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam với gần 50 dự án, khoảng 20.000 sản phẩm, công ty này liên tục bị khách hàng tố cáo có dấu hiệu lừa đảo.

Lợi dụng tâm lý khách hàng

Đánh giá về cách hoạt động của công ty Alibaba, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường phân tích: “Tất cả dự án của công ty Alibaba đều được tự xưng và mở bán trái pháp luật khi không có sự phê duyệt, cấp phép.

Các mảnh đất vẫn đứng dưới tên của nhiều cá nhân mà không thuộc sở hữu của công ty này. Việc gom đất và phân lô bán nền trái phép này đều gây rủi ro rất lớn đối với người mua”.

Công ty Alibaba đã thực hiện chính sách thu mua và nhiều khách hàng ban đầu đã nhận được “lãi khủng” của các “dự án ma”.

Chính vì vậy, ngay cả khi đa số dự án của Alibaba không có thật, công ty này không sở hữu dự án, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng “xuống tiền”, ký hợp đồng.

“Công ty Địa ốc Alibaba đang lợi dụng tâm lý của người Việt, ưa thích đầu tư đất nền để gom các mảnh đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư và đứng tên dưới các cá nhân khác để phân lô, bán lại cho người đầu tư. Cách hoạt động và huy động vốn của công ty này có những biểu hiện rất đáng ngờ”, ông Võ nhận xét.

Bất động sản - “Ngày tàn” của Địa ốc Alibaba đã được giới chuyên gia cảnh báo từ trước (Hình 2).

GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường.

Cũng theo vị chuyên gia này, những mức lãi suất cao bất thường như vậy không khó để thấy ở các mô hình đa cấp hay gọi vốn đầu tư trái phép.

Đến mức nguồn tiền đầu tư để duy trì những mô hình này không còn đủ, lãi suất không thể chấp nhận được nữa thì cả hệ thống sẽ tự nó đổ bể.

“Bất kỳ dự án nào có dấu hiệu chào giá với lợi nhuận quá cao, người đầu tư cần phải đặt câu hỏi về nguồn tiền từ đâu mà có, bởi đến khi hệ thống này sụp đổ, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là khách hàng.

Khi nào còn có người đầu tư thì mô hình này còn có thể sống sót, tuy nhiên khi không còn nguồn tiền rót vào để trả cho các thành viên là lúc hệ thống này sụp đổ”, ông Võ đánh giá.

Sụp đổ là chuyện sớm muộn

Một Tiến sĩ, giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng bình luận, công ty Alibaba sẵn sàng bán đất thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường và cam kết mức lợi nhuận rất cao. Đây thực chất là một chiêu huy động vốn từ khách hàng.

“Nếu thực sự công ty này đang kinh doanh và có vốn thực hàng tỷ đồng như công bố chắc chắn họ sẽ không huy động vốn từ khách hàng với lãi suất 3% hàng tháng”, vị Tiến sĩ này đặt vấn đề.

Ngoài ra, công ty Alibaba cũng có rất ít khi bàn giao sổ đỏ cho khách hàng như cam kết. Chủ yếu khi hết thời hạn cam kết thì công ty “thu mua lại” hợp đồng.

Nhờ giá nhà đất liên tục tăng trong thời gian qua, nên Alibaba có thể tiếp tục bán những lô đất này cho thêm nhiều khách hàng mới.

Bất động sản - “Ngày tàn” của Địa ốc Alibaba đã được giới chuyên gia cảnh báo từ trước (Hình 3).

Mô hình bán đất như kinh doanh đa cấp của Alibaba sẽ sụp đổ khi không thể tiếp tục mở rộng.

Bên cạnh đó, để có dòng tiền thì công ty cũng không ngừng mở rộng kinh doanh các dự án mới. Dòng tiền mới này có thể đảm bảo cho Alibaba trả cho những hợp đồng "đáo hạn".

“Hiện nay, sau khi lãnh đạo công ty bị bắt, công ty Alibaba sẽ không thể tiếp tục sang tay cho nhà đầu tư đến sau. Việc phát triển dự án mới của Alibaba chắc chắn gặp khó khăn khi mà thị trường bất động sản đang chững lại.

Do đó, Alibaba sẽ thiếu hụt dòng tiền trả cho những hợp đồng đáo hạn và toàn bộ mô hình Ponzi của Địa ốc Alibaba sẽ sụp đổ”, chuyên gia kinh tế khẳng định.

Clip: Huy động hàng trăm cảnh sát làm việc tại trụ sở CTCP Địa ốc Alibaba do ông Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch.

Hàng trăm cảnh sát phong tỏa trụ sở công ty địa ốc Alibaba
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.