Ngày tàn của 'trùm đề' đình đám một thời ở Tây Ninh

Ngày tàn của 'trùm đề' đình đám một thời ở Tây Ninh

Thứ 5, 02/05/2013 14:30

Vừa qua, TAND huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm hình sự Lê Thanh Tra đã thu hút sự chú ý của người dân.

Bởi kẻ cầm đầu Lê Thanh Tra được xem là "ông trùm đề" của đất Tây Ninh một thời gian dài, từng được biết đến như một đại gia, đi xe ô tô tiền tỷ, tiêu tiền như nước...

Ông trùm khéo léo đổ lỗi cho vợ

Phạm Thị Hoa (SN 1959, ngụ tại ấp Long Chí, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) từng có hai tiền án về tội "tổ chức đánh bạc". Lê Thanh Tra (SN 1964, ngụ ấp Long Khương, xã Long Thành Nam) cũng có một tiền án về tội "tổ chức đánh bạc". Hai người này quyết định về góp gạo nấu cơm chung sống như vợ chồng sau khi mãn án tù. Tuy nhiên, sau khi ra tù, họ không chịu làm ăn lương thiện mà vẫn "ngựa quen đường cũ".  Đôi vợ chồng cờ bạc Hoa, Tra lên kế hoạch tổ chức đánh bạc dưới hình thức thầu số đề từ cuối năm 2009.

Pháp luật - Ngày tàn của 'trùm đề' đình đám một thời ở Tây Ninh

Các bị cáo nghe luận tội tại phiên xét xử sơ thẩm. (Ảnh Anh Huỳnh).

"Ông trùm" Tra có nhiệm vụ tìm kiếm móc nối với các đàn em, quyết định cho họ có tham gia vào đường dây hoạt động số đề hay không, Hoa thì có vai trò điều hành việc tổ chức ghi, giao nhận phơi đề, thanh toán chung chi thắng thua với các đàn em. Cùng với một số đối tượng khác, tạo thành đường dây hoạt động số đề khép kín làm mưa làm gió ở Tây Ninh trong suốt một thời gian dài. Ngoài việc mượn nhà Trang, em ruột Hoa đặt "bản doanh" hoạt động thầu đề, Trang còn giúp Hoa nhận phơi đề từ các đàn em thông qua điện thoại khi Hoa bận việc, Hoa trả công cho Trang 100.000 đồng/1 ngày.

Tại phiên tòa diễn ra ở trường PTTH Nguyễn Chí Thanh (huyện Hòa Thành), khi trả lời câu hỏi của HĐXX về mối quan hệ của bị cáo Tra và Hoa, Tra nhanh miệng phân bua: "Dù đã "gá nghĩa" chung sống như vợ chồng với bị cáo Hoa nhưng do cả hai đều có con riêng nên không ở chung nhà, cũng như cả Tra và Hoa đều có kinh tế riêng không phụ thuộc vào nhau".

Nói ra những lời trên, Tra muốn chứng minh cho HĐXX thấy Tra không hưởng lợi gì từ việc tổ chức ghi đề của Hoa, nhằm phủ nhận vai trò kẻ chủ mưu cầm đầu đường dây thầu đề của mình. Chỉ đến khi HĐXX hỏi ai móc nối để các tay đàn em tạo thành đường dây ghi đề cho Hoa điều hành, lúc đó Tra mới cúi đầu thừa nhận mình chính là người cung cấp số điện thoại của Hoa để các đàn em liên lạc, thỏa thuận việc ghi số thầu đề, nhưng hắn vẫn chối bỏ vai trò hưởng lợi của mình trong đường dây này.

Tuy nhiên, lời ngụy biện của bị cáo Tra đã không qua mặt được HĐXX, bởi Tra đã bị chính người "vợ hờ" và đàn em của mình tố cáo vai trò móc nối, dẫn dắt đường dây ghi đề của mình. Biết không thể quanh co chối cãi, Tra đã thừa nhận tội " Tổ chức đánh bạc" là đúng, nhưng vẫn luôn miệng kêu rằng bản thân không hưởng lợi gì từ việc tổ chức đường dây ghi, thầu đề vì Tra có nguồn thu nhập kinh tế là bán cây kiểng và thu nhập từ nhà nghỉ Mỹ Hoa.

Pháp luật - Ngày tàn của 'trùm đề' đình đám một thời ở Tây Ninh (Hình 2).

Thầu đề út Tra trả lời thẩm vấn (Ảnh Anh Huỳnh).

Ngày tàn của những con bạc khát nước

Trong số các bị cáo bị truy tố về tội đánh bạc thì Trần Văn Bảo có lẽ là con bạc khát nước nhất. Bảo khai do nhà ở gần nhà Hoa, biết Hoa ghi số thầu đề nên Bảo trực tiếp ghi đề ăn thua với Hoa cho giá rẻ hơn ghi các nơi khác. Mỗi lần Bảo ghi số đề với Hoa có giá tiền ăn thua từ 2 triệu  đến 12 triệu đồng. Theo Bảo thì mỗi tháng Bảo chỉ ghi một đến hai lần do bản thân làm tài xế không có tiền chơi nhiều. Thế nhưng khi được hỏi trong ngày bị bắt quả tang ghi số đề với bị cáo Hoa thì số tiền bị cáo chơi đề là hơn 11 triệu đồng, thì Bảo chống chế cho rằng ngày đó do giận vợ nên chơi hết nguyên tháng lương.

Còn Nguyễn Phi Đằng làm nghề kinh doanh mì (sắn). Biết Thúy Vân và Bích Vân là em ruột mình tổ chức ghi đề, sẵn có máu cờ bạc trong người, thấy cây mì không ai mua, Đằng đã thống nhất với Phan Thanh Vượt, Vũ Đình Át, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Thanh Phương (cùng hùn vốn trồng mì) lấy số tiền 3.000.000 đồng từ tiền bán cây mì đánh đề với phương châm" ăn được cả, ngã về không".

Cay đắng nhất có lẽ là con bạc Võ Lê Thái. Bản thân là công chức Nhà nước nhưng chỉ vì ham mê đỏ đen mà Thái đã đánh mất tất cả những gì bản thân đã phấn đấu qua việc ghi đề với gia đình Đặng Thị Cẩm Bào. Thậm chí, ngày bị bắt quả tang  là ngày Thái ghi số đề với số tiền hơn 14 triệu đồng. Tuy nhiên, những lời ăn năn hối hận của Thái tại phiên tòa đã quá muộn màng so với những gì mà Thái đã đánh đổi tương lai bằng những con số đề ma quái.

Ngoài vợ chồng ông trùm Lê Thanh Tra ra tòa, cặp vợ chồng Đoàn Văn Sơn và Huỳnh Thị Thi cùng nhau ra tòa lãnh án với vai trò của người tổ chức ghi số đề. Theo lời khai của bị cáo Sơn thì bị cáo bắt đầu tổ chức ghi đề từ tháng 6/2009, mỗi ngày ghi được khoảng 4 triệu đồng. Tuy nhiên, trong một lần đi uống cà phê, Sơn gặp Tra, cùng là giới cờ bạc với nhau nên Sơn thấy Tra là biết mình vừa gặp phải "ông trùm đề". Sơn đến xin "đầu quân" cho Tra. Tra nói là không làm đề, nhưng lại cho số điện thoại của vợ là bị cáo Hoa để Sơn liên lạc. Khi được gia nhập đường dây cờ bạc này, doanh số ghi đề của vợ chồng Thi, Sơn cũng tăng lên rõ rệt. Ngày bị bắt quả tang, cặp vợ chồng Thi, Sơn ghi đến 36 triệu đồng tiền đề từ các tay cờ bạc đến ghi đề.

 Vợ chồng Nguyễn Thị Thùy Liên, Đỗ Thành Tài thì ngược lại. Liên khai do quen biết và thỏa thuận với bị cáo Tra về việc tổ chức ghi đề giao lại cho Tra và Hoa hưởng hoa hồng. Do vậy, hàng ngày, Liên ở nhà ghi đề, còn Tài có nhiệm vụ làm cảnh giới, dùng điện thoại để giao phơi đề cho Tra, Hoa và Chính. Nguyễn Anh Tuấn thì khai là dù biết vợ mình là Trần Thu Nguyệt tổ chức ghi đề giao cho Tra nhưng do thấy việc này không tốn sức nhiều mà lại  thu nhập cao, nên Tuấn tham gia nhiệt tình bằng việc trực tiếp chở Nguyệt đến nhà Hoa và Thúy Vân thanh toán tiền thắng thua số đề.

Bi đát nhất trong số các con bạc trong đường dây ghi đề thuê là gia đình bị cáo Đặng Thị Cẩm Bào. Bởi vì gia đình "cờ bạc" này có đến ba người bị VKS truy tố về "tội tổ chức đánh bạc". Nhưng đến khi tòa án đưa ra xét xử thì Nguyễn Ngọc Trạng (chồng của Đặng Thị Cẩm Bào), là người đã cảnh giới lực lượng công an cho vợ và con trai là Nguyễn Thành Huy tổ chức ghi đề, tổng hợp phơi số đề, dùng máy Fax chuyển cho Hoa  đã qua đời trước khi tòa án đưa ra xét xử.

Trước toà, hai chị em Thúy Vân, Bích Vân thành khẩn nhận tội và mong HĐXX xem xét lại hoàn cảnh là hiện đang nuôi con nhỏ. Nhưng điều làm mọi người dự phiên tòa phải suy nghĩ và tiếc cho Thúy Vân vì trước đó, bản thân Thúy Vân chỉ đi xuống gần nhà bị cáo Nguyệt học nghề uốn tóc. Thấy Nguyệt ghi đề và thu được nguồn tiền lớn, lại không phải nhọc công nên Thúy Vân xin đầu quân làm cùng. Sau đó, mờ mắt trước đồng tiền, cô đã kéo thêm cả cô em gái Bích Vân vào vòng xoáy của việc kiếm tiền phi pháp này.

Phiên tòa kết thúc với những bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ muốn thu lợi cá nhân có tiền nhưng không chịu làm ăn chân chính, đồng thời, cũng là một bài học nhắc nhở đối với những ai ham mê cờ bạc bất chấp pháp luật để rồi phải dấn thân vào con đường phạm tội.

Kiếm tiền tỉ nhờ thầu đề

Tính từ cuối năm 2009 cho đến ngày bị bắt quả tang vào ngày 29/12/2011, vợ chồng Phạm Thị Hoa và Lê Thanh Tra đã thu lợi khoảng 1.950.000.000 đồng từ việc ghi và thầu số đề. Tiền thu lợi bất chính từ hành vi tổ chức thầu số đề được Hoa sử dụng vào việc chi tiêu cho sinh hoạt, mua sắm trong gia đình. Những tay đàn em của vợ chồng Tra che mắt cơ quan chức năng bằng cách đóng giả là những người làm công, chăm sóc cây cảnh quản lý nhà nghỉ cho vợ chồng ông “trùm đề”. Hàng ngày, sau khi thanh toán chung chi xong chúng tiến hành hủy các Fax phơi đề, xóa ghi âm và tin nhắn trên máy để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Anh Huỳnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.