Ngày Tết gặp lại cụ Trần Văn Thêm chịu án oan hơn 40 năm (Kỳ 1)

Ngày Tết gặp lại cụ Trần Văn Thêm chịu án oan hơn 40 năm (Kỳ 1)

Đỗ Thị Chang

Đỗ Thị Chang

Thứ 6, 20/01/2017 09:57

PV có dịp về thăm cụ Trần Văn Thêm – người chịu oan án tử kéo dài qua hai thế kỉ để lắng nghe những cảm xúc của cụ trước thềm năm mới.

Chúng tôi đến thăm gia đình cụ Trần Văn Thêm (SN 1935, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vào những ngày cuối đông.

Ngoài trời giá rét căm căm, những cành phượng vĩ, cành bàng khẳng khiu đứng lặng lẽ bên đường, chỉ chực chờ những giọt mưa xuân là đâm chồi, nảy lộc báo hiệu một mùa xuân đang tới. Trên con đường đất dẫn vào nhà cụ, những đứa trẻ vô tư nô đùa, khuôn mặt hiện rõ sự háo hức trước không khí đón tết đang ngập tràn từng căn nhà ngói đỏ.

Trong ngôi nhà ba gian đã cũ, bạc màu của thời gian, cụ Thêm đang cẩn thận lau bàn thờ tổ tiên trước thềm năm mới đang cận kề. Dù tuổi đã cao, nhưng cụ vẫn vui vẻ cùng con cháu dọn dẹp nhà cửa để đón Tết.

Cụ chia sẻ: “Đây là cái Tết đầu tiên tôi được minh oan sau hơn 40 năm mang bản án tử hình vì tội giết người cướp tài sản, nên tôi háo hức đón Tết như một đứa trẻ. 46 năm qua là 46 cái Tết tôi sống trong sự ghẻ lạnh, kỳ thị của bà con, lối xóm. Con cháu cũng vì tôi mà ít đi giao lưu, thăm thú bạn bè hơn. Tết là sum vầy, là được vui vẻ cùng mọi người nhưng tôi đã không có được những điều tưởng như bình dị nhất ấy từ rất lâu rồi…”.

Hồ sơ điều tra - Ngày Tết gặp lại cụ Trần Văn Thêm chịu án oan hơn 40 năm (Kỳ 1)

 Cụ Trần Văn Thêm đang lau dọn bàn thờ đón năm mới.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã 46 năm trôi qua kể từ cái ngày định mệnh ấy. Cụ Trần Văn Thêm bồi hồi nhớ lại đêm cùng em trai là Nguyễn Khắc Văn (trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bị kẻ cướp tấn công khi đang ngủ tại lều cắt tóc thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc).

Do vết thương quá nặng, ông Văn tử vong trên đường đi cấp cứu còn cụ Thêm bị kết án tử hình với tội danh giết người, cướp tài sản.

Năm 1974, Tòa án nhân dân Tối cao kết tội y án sơ thẩm với mức án tử hình. Lệnh tử hình chưa kịp thực hiện thì vào cuối năm 1974, Công an tỉnh Vĩnh Phú bắt được một đối tượng cướp của là Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, trú tại thôn Phần Thạch, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú). Tại cơ quan điều tra, y khai nhận mình chính là hung thủ giết người tại lều cắt tóc.

Do vậy, đầu năm 1976, ông Thêm được TAND Tối cao quyết định tha và trả tự do nhưng lại không có kết luận ông vô tội. Từ đó đến nay, bản án tử hình về tội Giết người vẫn treo lơ lửng trên đầu ông Thêm. Sau gần 50 năm đi kêu oan, mới đây TAND tối cao đã có kết luận đối với vụ việc của ông Trần Văn Thêm là oan sai.

Hồ sơ điều tra - Ngày Tết gặp lại cụ Trần Văn Thêm chịu án oan hơn 40 năm (Kỳ 1) (Hình 2).

 Cụ Thêm đang chia sẻ cùng PV.

Mỗi lần nhắc lại câu chuyện năm xưa, cụ đều khóc. Những giọt nước mắt lăn trên gò má đã nhăn nheo như không thể chứa đựng hết những nỗi đau xót xa đến tột cùng của cụ.

Cụ nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ nguyên cái cảm giác đón Tết trong trại giam Phủ Đức. Tết đến, chúng tôi được cán bộ phát cho mỗi người một cái bánh chưng và được thêm thời gian gặp người nhà đến thăm.

Mỗi lần được gọi ra gặp người thân, điều đầu tiên là tôi gào thét lên mình bị oan. Tuy nhiên, tất cả đều chìm trong vô vọng, không ai để ý những lời tôi nói. Nhìn vợ gầy rộc đi, đôi mắt thâm quầng, tôi như đứt từng khúc ruột. Đau khổ, tuyệt vọng tôi chỉ biết viết những dòng chữ kêu oan bằng máu lên những tờ xi măng đã cũ. Cứ thế, mỗi lần đến Tết, tôi đều chọn một góc tối nhớ lại những giây phút được ở bên gia đình mỗi độ xuân về, hay nụ cười các con khi được quần áo mới và rồi lại bật khóc…”.

Sau khi bắt được hung thủ thật sự , cụ Thêm được trả tự do. Tuy nhiên, cụ không hề có kết luận vô tội mà chỉ được về nhà trong lặng lẽ, trong sự tò mò của bà con lối xóm.

Cụ chia sẻ thêm: “Tôi về nhà trong sự gièm pha của hàng xóm. Lúc này, họ đều cho tôi là kẻ máu lạnh, giết em trai rồi chạy tiền để được tại ngoại. Tôi buồn lắm, đi đâu cũng không dám ngẩng mặt lên. Mỗi cái Tết trôi qua, tôi đều phải nghe những tiếng oán trách từ gia đình ông Khắc Văn, tiếng họ khóc đòi cha trước cổng nhà.

Vợ tôi đau buồn quá rồi mất sớm, các con tôi bị bạn bè trêu trọc cũng không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà cho qua mấy ngày Tết. Tết đến, nhìn các con buồn, tôi càng thêm hổ thẹn với người thân, chỉ vì tôi mà họ phải mang tai tiếng. Mỗi một  mùa xuân trôi qua, tôi chỉ biết động viên mình phải cố gắng chờ ngày được minh oan.  Đó là quãng thời gian cực hình với tôi, cứ thế tôi mang án tử hình từ cái Tết này sang cái Tết khác…”.

(Còn tiếp...)

Đỗ Chang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.