Nhắc đến lá chanh trong ngày Tết, hẳn ai cũng nghĩ đến những sợi xanh thái nhỏ điểm xuyết trên màu vàng óng ả của da gà và trong bát gia vị của món gà luộc. Nhưng, sau nhiều năm kinh tế phát triển, hòa nhập với thị trường thế giới thì lá chanh còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn khác ở phương Tây. Bởi vậy, một số công ty đã thu mua lá chanh để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, với giá cả trăm ngàn đồng/kg.
Có thể bạn chưa biết, lá chanh cũng là một vị thuốc quý trong Đông y, vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Chia sẻ với PV tờ Trí Thức Trẻ, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho hay, trong các bài thuốc Nam, lá chanh xuất hiện như một nguyên liệu không thể thiếu để làm nước xông nhờ hương thơm dễ chịu của tinh dầu, có tính diệt khuẩn và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Không chỉ vậy, người ta còn sử dụng lá chanh để chữa ho do lạnh, cảm sốt không ra mồ hôi, hỗ trợ điều trị hen phế quản. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh thường gặp vào trời lạnh từ lá chanh:
Chữa ho do lạnh: Lá chanh tươi 5g, gừng tươi 3g. Lá chanh và gừng tươi đem rửa sạch, gừng thái lát sau đó đem sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml. Uống nước này liên tục 3-5 ngày sẽ giúp chữa ho do lạnh cực tốt mà không cần phải uống thuốc kháng sinh.
Chữa ho do viêm phế quản: Lá chanh khô 35g, dây tơ hồng 15g, tất cả sao vàng sắc với 3 bát nước, lấy 1 bát, ngày uống 2-3 lần. Dùng liên tục trong 10 ngày. Sự kết hợp hoàn hảo giữa lá chanh và dây tơ hồng vàng đem lại bài thuốc trị ho lâu ngày, ho do viêm phế quản cực hiệu nghiệm được dân gian lưu truyền từ xa xưa đến nay.
Chữa nhức đầu, đánh bay cơn cảm lạnh: Lá chanh, lá bưởi, lá tre, hương nhu và cúc tần, cho thêm bạc hà, sả và tỏi, tất cả cho vào nồi to, đổ nước đầy nồi và đun sôi, sau đó xông hơi bằng một chiếc chăn trùm kín đầu với nồi nước. Sau 15 phút, bỏ chăn ra, lấy nước này tắm sẽ giúp chữa nhức đầu, giải cảm hiệu quả.
Chữa cảm sốt không ra mồ hôi: Lá chanh khô 30g hoặc lá chanh tươi 10g đem sắc lấy nước uống. Hoặc sử dụng lá chanh, cúc tần, lá bưởi, vỏ quýt đem sắc uống trong ngày cũng có công dụng chữa cảm sốt không ra mồ hôi rất tốt.
Giải nhiệt, mát gan: Bạn có thể chế biến thức uống giải nhiệt, làm mát gan cực hiệu quả từ lá chanh như sau: Lá chanh, lá gai, lá cối xay (các vị đều khô), mỗi vị 12g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia uống 2 lần/ngày, nên uống sau bữa ăn sáng và tối. Thức uống này sẽ giúp bảo vệ gan, tránh nóng gan do bia rượu, ăn nhiều bánh chưng, giò chả… trong dịp Tết
Chữa bệnh viêm xoang: Tinh chất có trong lá chanh chống lại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh xoang. Dùng lá chanh khô, đun sôi trong vòng 10 phút. Sau đó chắt lấy nước và sử dụng nó để súc miệng mỗi ngày giúp thông mũi, thông họng, và hạn chế chất nhầy.
Chữa đầy bụng, bí tiểu ở trẻ em: Khi trẻ em bị đầy bụng, bí tiểu có thể lấy lá chanh giã nát, hấp nóng, đắp vào rốn.
Giảm sưng đau do mụn nhọt (chưa có mủ): Lá chanh 10g, lá gai tầm xoọng 8g, tinh tre 10g. Phơi khô, tán bột. Rắc lên nơi tổn thương có mụn nhọt rồi băng lại trong khoảng 8 -10 phút, ngày làm 2 lần.
Lưu ý: Khi dùng lá chanh cho các bài thuốc, bạn cần rửa sạch rồi phơi khô ở nơi mát mẻ (không phơi lá chanh dưới ánh nắng trực tiếp). Sau đó, bảo quản lá chanh nơi khô ráo, để dành dùng dần.
N.H (tổng hợp)