Nén sự tủi thân trước tình trạng thất thế ngay trên sân nhà, những nghệ sỹ rối nước vẫn ngày đêm cặm cụi tập dượt, tạo hình cho những con rối vô tri. Đằng sau những cơ cực của nghề là niềm khát khao cháy bỏng "bắt vít" rối nước với cuộc sống đời thường của các nghệ sỹ. Lắng nghe những tâm sự từ đáy lòng cũng như có dịp "mục sở thị" công việc âm thầm đằng sau sân khấu rối nước, tôi thấu hiểu phần nào những "bảy nổi ba chìm" của nghề này.
"Đầu nghệ sỹ, chân tay cửu vạn"
Theo chân NSƯT Chu Lượng (phó giám đốc nhà hát Múa rối Thăng Long) thưởng thức buổi diễn chương trình múa rối "Linh thiêng hai tiếng đồng bào" vừa đoạt giải Vàng trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần III - 2012 đối với chúng tôi quả là một trải nghiệm thú vị. Ấn tượng của lần đầu tiên chứng kiến hậu trường sân khấu rối nước là hình ảnh hàng chục nghệ sỹ bì bõm lội nước lên bờ sau khi hoàn thành vai diễn. Vừa loay hoay trút bỏ bộ quần áo cao su "đặc chủng" dành riêng cho công việc này, các nghệ sỹ vừa rổn rảng tự trào về đời nghệ sỹ truân chuyên của mình: "Đầu óc thăng hoa cùng nghệ thuật nhưng chân tay là của cửu vạn".
Một cảnh múa rối ở nhà hát Múa rối Thăng Long
Theo NSƯT Chu Lượng thì, phổ biến nhất với nghệ thuật múa rối nước là rối đồ chơi. Các mô hình rối đồ chơi xuất phát đều từ những khối gỗ mộc mạc. Tài của nghệ sỹ tạo hình là thổi hồn rối nước bằng những phương pháp thủ công như đẽo, khắc, tô màu... Tiếp đó, những mô hình các nhân vật quen thuộc trong dân gian như chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở… bỗng tràn đầy sức sống ào ra đời thường bằng việc ngoan ngoãn tuân theo sự điều khiển của nghệ sỹ từ đằng sau tấm mành trúc.
Nghệ sỹ Thành Đạt (nhà hát Múa rối Thăng Long) chia sẻ, đặc trưng nghề nghiệp đòi hỏi người nghệ sỹ phải đa-zi-năng hết công suất. Diễn viên ở góc độ là nghệ sỹ buộc phải am hiểu văn hóa dân gian, kỹ năng biểu diễn phối hợp nhuần nhuyễn từ tai nghe nhạc, tay điều khiển con rối đến miệng hát theo điệu nhạc… Trên thực tế, thể lực của người nghệ sỹ rối nước rất quan trọng, bởi muốn điều khiển được những con rối tưởng chừng cứng đờ, chỉ biết lắc lư, lật đật giơ tay chém lên chém xuống với một bộ mặt bất động kia thì nghệ sỹ cũng phải có thời gian gần gũi và làm quen.
Nghệ sỹ Thành Đạt kể: "Hồi mới vào nghề, mình chỉ chăm chăm học hỏi để làm sao phối hợp một cách mềm dẻo từng động tác múa rối cho khớp với nhạc. Đến khi phân vai, mình phải có trách nhiệm với từng nhân vật rối điều khiển. Bạn thử tưởng tượng, mỗi tạo hình rối nước nặng khoảng 20kg, còn diễn viên mỗi ngày vài bận phải mang vác rối xuống nước để luyện tập biểu diễn, rồi lại mang lên bờ và chăm sóc bảo quản. Chưa kể đến việc, nhiều vở diễn thiếu diễn viên nên một người phải kiêm nhiệm 2 - 3 vai diễn thì cuối buổi diễn sẽ mệt đến mức nào. Lúc đó, tôi mới thấm thía rằng, để theo đuổi công việc này không dễ dàng. Chúng tôi thường nói vui : Mình vừa là nghệ sỹ vừa là người lao động chân tay là vì thế".
Trong khi đó, ở góc phòng, nghệ sỹ Bá Thành đang xuýt xoa cạnh lò sưởi. Anh vui vẻ cho biết: "Tôi đã gắn bó với sân khấu rối nước hơn 10 năm rồi. Trước đây, khi chưa có lò sưởi, mỗi lần diễn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thế này, anh chị em nghệ sỹ thường đốt một đống củi to. Cứ ai diễn xong phân cảnh của mình thì chạy lên hơ tay chân cho hồi sức, rồi lại xuống diễn tiếp... Có trường hợp đang diễn giữa chừng thì phát hiện bộ quần áo cao su bị thủng. Nước lạnh cứ thế ngấm vào người nhưng diễn viên vẫn phải chịu đựng... Đặc trưng công việc luôn phải ngâm mình trong dòng nước lạnh giá bằng bộ quần áo cao su mỏng nên hầu hết nghệ sỹ rối nước đều mắc bệnh khớp. Tư thế điều khiển rối nước luôn khom lưng, chùn gối nên nhiều nghệ sỹ “chưa toan về già” đã có dấu hiệu suy thoái cột sống…
NSƯT Chu Lượng - Phó giám đốc nhà hát Múa rối Thăng Long
Ăn Tết dưới... thuỷ đình
Nghệ sỹ Bá Thành cho biết thêm, nghề diễn viên múa rối nước “làm ăn phát đạt” nhất vào dịp Tết. Vì thế, từ đầu mùa rét, cả đoàn phải ráo riết luyện tập và trình diễn thử, chuẩn bị cho sân khấu Tết. Nghệ sỹ Bá Thành quê gốc ở Ninh Bình, trong 10 năm qua, anh chỉ được đón Tết cùng gia đình có 3 lần, vì lịch diễn luôn kín mít. Đặc biệt, trong 3 ngày cao điểm của dịp Tết, rạp hầu như đỏ đèn cả ngày lẫn đêm. Anh ngậm ngùi tâm sự, dù thù lao cho những suất diễn ngày cao điểm thường cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường nhưng cứ nghĩ về khoảnh khắc được sum họp gia đình là không khỏi chạnh lòng. Mỗi lần gọi điện về quê, nghe giọng cô con gái nhỏ líu lo đòi bố về đưa đi chơi khiến anh không kìm được nước mắt. Cũng may ,trong đoàn có nhiều đồng nghiệp tốt. Nhiều anh chị em nghệ sỹ ở Hà Nội còn xung phong diễn thay người ở xa để họ có dịp về quê ăn Tết. "Thế nhưng, nhờ được đôi cái Tết, chứ ai nhờ được cả đời nên Tết của tôi là Tết của rối nước" - anh Thành nói.
Đối với những nữ nghệ sỹ, việc mải miết với suất diễn quả là những tình huống éo le. Chị Lan Hương cho biết, năm năm gắn bó với vui buồn của rối nước, không ít lần chị nhận được những lời trách khéo từ mẹ chồng về khả năng chu toàn cho gia đình của một người phụ nữ. "Nhiều lúc thấy tủi thân, ngày lễ ngày tết người ta tất bật sắm sửa cho gia đình, còn mình cứ hết ôm rối bì bõm lại lo học thuộc lời thoại, nắm bắt nhạc nền sao cho khớp từng phân cảnh. Công việc đòi hỏi lúc nào cũng phải tập trung cao độ, bởi chỉ cần lơ là một chút là hỏng vở diễn ngay. Có lần, đi diễn mà nghe tin con ốm sốt ở nhà, lòng như lửa đốt…" - chị Lan Hương tâm sự
Éo le hơn nữa là cặp đôi Ngọc Minh - Chí Bảo. Vợ là diễn viên múa rối, chồng làm ở dàn nhạc cụ... Hai vợ chồng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến con, bởi bé thường được gửi ông bà ngoại chăm sóc, chứ ít khi có bố mẹ bên cạnh, nhất là vào những ngày Tết. "Ngày Tết, mọi nhà dắt díu đưa con đi chơi, còn hai vợ chồng cứ bám lấy cái ao, người lúc nào cũng sũng nước..." - chị Minh ngậm ngùi nói.
Vất vả là vậy nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên những đôi môi tím lại vì rét. Thậm chí, theo NSƯT Chu Lượng: "Dù biết diễn Tết thì không có nhiều thời gian bên gia đình nhưng anh em nghệ sỹ vẫn vui vẻ. Hơn nữa, với những người đã trót yêu nghề này thì đi diễn Tết luôn có những cảm xúc đặc biệt. Dường như từ kịch bản cho đến lối thổi hồn của người nghệ sỹ đều có sự thăng hoa hơn thường ngày, khiến buổi diễn mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại". Đặc biệt, thời gian gần đây, các tiết mục múa rối ngày càng được đầu tư công phu hơn. Tính sống động của chương trình là sự chủ động vượt ra khỏi khuôn khổ những màn biểu diễn thô sơ của diễn viên điều khiển con rối. Kịch bản là sự kết hợp ăn ý của dàn nhạc chèo, hệ thống ánh sáng, hiệu ứng khói, tia lửa… thậm chí, có nhiều phân cảnh, diễn viên trực tiếp xuất hiện để diễn cùng rối nước tạo sự bất ngờ, sống động cho chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Vai trò quan trọng của âm nhạc Âm nhạc đóng vai trò khá quan trọng trong các tiết mục rối nước. Dàn giao hưởng dân tộc gồm các nhạc cụ như sáo, trống, đàn bầu, đàn tam thập lục... luôn là công cụ để gắn kết các tiết mục với nhau, tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ múa rối dựa theo tiết tấu nhạc mà điều khiển con rối lúc khoan thai, lúc sôi động. |
Linh Nhi