Ngày Tết xin chữ “ông Đồ” sinh viên

Ngày Tết xin chữ “ông Đồ” sinh viên

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Người đến xin chữ vui khi được sở hữu những bức thư pháp đẹp. Còn đối với các“tiểu ông Đồ”, họ lại thể hiện được cái tài, cái tâm của mình qua những nét bút tinh tế, chất chứa tâm hồn của tuổi trẻ, cũng là một cách tiếp nối bản sắc, hồn Dân tộc.

Chân dung các "tiểu ông Đồ"

Một lần khi đang lang thang trên phố ông Đồ tôi đặc biệt chú ý đến một ông đồ còn rất trẻ, chắc chỉ mới ngoài hai mươi tuổi, nhưng nhìn cách cho chữ lại rất chuyên nghiệp. Bàn tay nhẹ nhàng múa lượn những đường bút hết sức điêu luyện, nét thanh, nét đậm cho đến nét xổ đều rất uyển chuyển, dứt khoát.

Rất nhiều người bị “tiểu ông Đồ” này chinh phục ngay những nét chữ đầu tiên, nhìn phong thái khoan thai pha chút cổ điển của ông Đồ trẻ, nhiều người tỏ vẻ ngưỡng mộ. Tôi lân la làm quen và được biết tiểu ông đồ ấy chính là Xuân Hậu, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ đó, chúng tôi trở thành đôi bạn tâm giao.

Năm nay, khi cái lạnh cắt da cắt thịt đang muốn ngăn bước nhiều người, "ông Đồ” Xuân Hậu lại gọi điện rủ tôi cùng lên "phố ông Đồ" để hành nghề. Trên con phố Văn Miếu dài chưa đầy cây số, mấy chục ông Đồ đang thấp thoáng giữa hàng trăm người đến xin chữ. "Ông Đồ" ở đây có nhiều người là sinh viên của trường Đại học Văn Hóa, Đại học Kiến trúc, xa hơn còn có những "ông Đồ" đến từ khoa Hán Nôm - Đại học KHXH & NV.

Khoảng 7h tối, "tiểu ông Đồ" Xuân Hậu sửa soạn đồ nghề để lên đường, trong đó không thể thiếu được mực Tầu, bút lông, giấy đỏ và cả cuốn sổ tay ghi những câu thơ, câu danh ngôn...

Sau khi giúp Xuân Hậu sắp xếp, bày biện các dụng cụ xong xuôi, tôi dạo qua một vòng trên phố ông Đồ. Vì các thầy đồ là sinh viên nên khách hàng chủ yếu cũng là sinh viên và giá cũng rất sinh viên.

Sau một hồi, tôi ghé vào xin chữ của "ông Đồ” Hoàng Nam, sinh viên khoa Hán Nôm của Đại học KHXH &NV, vốn là một “ông Đồ” nổi tiếng trong giới sinh viên. Cũng là chỗ quen biết từ trước, nên Hoàng Nam có nhã ý viết tặng tôi chữ "tình", bút pháp của Nam dù chưa được gọi là "phượng múa rồng bay" nhưng vẫn toát lên vẻ tinh tế, điệu nghệ. Trò chuyện với người xin chữ, Hoàng Nam chia sẻ: "Vốn thích thư pháp, nên sau khi thi vào khoa Hán Nôm, mình quyết tâm theo thầy để học cho kỳ được cách viết thư pháp, sau gần hai năm tu luyện, bây giờ cũng tự tin để viết. Học viết thư pháp không khó nhưng phải có tâm và lòng kiên nhẫn, có hôm mình thức cả đêm để luyện chữ đấy".

Xã hội - Ngày Tết xin chữ “ông Đồ” sinh viên

"Ông Đồ" sinh viên

Để phục vụ nhu cầu của người đến xin chữ, các "tiểu ông Đồ" đã cất công sưu tầm rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn thành một danh sách theo chủ đề rồi in ra để cho khách lựa chọn. Bạn Hoàng Minh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Bố em là người rất thích thư pháp, năm nay em xin một bức thư pháp về tặng bố, chỉ cần bỏ ra khoảng 30.000 đồng, đã có một bức như ý rồi".

Với "ông Đồ" Nam Nguyên, sinh viên trường Đại học Kiến trúc, người đã có 4 năm kinh nghiệm viết thư pháp thì: "Cái khó là thể hiện bố cục bức thư pháp sao cho hài hòa, khi viết tay không được run. Nét chữ phải thể hiện được tính cách, cái hồn của người viết, đó mới là điều khó".

Niềm vui tao nhã, nối tiếp truyền thống

Cầm trên tay bức thư pháp vừa ráo mực, bạn Thanh Mai, sinh viên trường Đại học Thương mại vui mừng: "Đã thành lệ, 3 năm học ở đây, cứ đến dịp này em lại lên phố ông Đồ để xin chữ mang về nhà treo, năm thì chữ "Lộc", năm thì chữ "Nhân", năm nay em xin chữ "Hiếu" để về tặng mẹ".

10h đêm, phố ông Đồ vẫn tấp nập người qua lại, cái lạnh của những ngày cuối năm không làm run tay những ông Đồ trên phố. Tôi quay lại chỗ ngồi của "ông Đồ" Xuân Hậu, vẫn thấy ba người khách đang ngồi chờ xin chữ.

Vừa viết, "ông Đồ" vừa chia sẻ: "Viết thư pháp cho sinh viên nên nội dung rất giản dị, vui tươi, năm nay người đến xin chữ thường đề nghị viết chữ “Hiếu”, một trong những câu được yêu cầu nhiều nhất là "Đi suốt cuộc đời không ai tốt bằng mẹ / Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha".

"Tùy theo ngành học mà các bạn sinh viên thường chọn câu, chữ để xin. Với sinh viên khối kỹ thuật thường chọn những câu danh ngôn ngắn gọn, còn sinh viên ngành xã hội thì lại thiên về những câu mang tính hướng nội nhiều hơn". Vừa gói ghém đồ nghề, “ông Đồ” Xuân Hậu vừa chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thành Long, giảng viên khoa Lịch sử một trường đại học ở Hà Nội cho biết: "Bản thân tôi cũng là một người yêu thích nghệ thuật thư pháp nên tôi rất ủng hộ các bạn sinh viên kiêm ông Đồ. Theo tôi, đó cũng là một nét văn hóa đẹp đang tồn tại trong đời sống sinh viên hiện nay, nó thể hiện ý thức biết gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc".

Sự tiếp nối của bản sắc

Người đến xin chữ vui khi được sở hữu những bức thư pháp đẹp mà giá lại rẻ của các ông Đồ sinh viên, vừa thỏa mãn được niềm đam mê thư pháp của mình. Còn đối với các“tiểu ông Đồ” vừa có thêm thu nhập vừa thể hiện được cái tài, cái tâm của mình qua những nét bút tinh tế, chất chứa tâm hồn của tuổi trẻ, cũng là một cách tiếp nối bản sắc, hồn Dân tộc.

Hà Khê


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.