Thưa các bạn yêu thơ thân mến, Ngày Thơ Việt Nam Rằm tháng Giêng hàng năm được long trọng tổ chức ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội và nhiều địa phương cả nước, đến năm 2017 này đã trải qua 15 năm và trở thành một lễ hội văn hoá khá đặc biệt. Ngày hội thơ này thường kết thúc bằng lễ thả 50 câu thơ hay lên trời. Các câu thơ hay của các bậc tiền nhân cùng với thơ hay của các nhà thơ đương đại được tuyển chọn, in trên lụa đỏ thật trang trọng. 50 câu thơ hay đính trên 50 quả bóng bay màu đỏ rực rỡ được 50 thiếu nữ mặc áo dài đỏ lộng lẫy, thướt tha "rước thơ như thể rước mây về giời".
Khi đoàn thiếu nữ xinh tươi rước thơ đi vào sân Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Ngày Thơ đã bừng sáng lên với những đám mây màu đỏ rực như con rồng thơ đang uốn lượn trên mái ngói cổ kính rêu phong của trường đại học đầu tiên ở nước Nam ta. Khó có thể diễn tả được ấn tượng và cảm xúc của những người đi dự Ngày Thơ Việt Nam trong những khoảnh khắc ấy. Trên sân khấu thơ chính, 50 nàng thơ áo đỏ lần lượt rước từng câu thơ hay theo lời đọc của người dẫn chương trình để hàng ngàn người yêu thơ phía dưới sân được thưởng ngoạn. Tiếp theo, 50 nàng thơ áo đỏ rước thơ đứng xung quanh giếng Thiên Quang Tỉnh và thực hiện lễ thả thơ lên trời theo hiệu lệnh của người chủ lễ. Những quả bóng bay màu đỏ đem theo 50 câu thơ hay bay lên trời trong tiếng xuýt xoa, hò reo của đám đông người yêu thơ.
Lạ thật, đã 15 năm diễn ra lễ thả thơ hay lên trời ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám vào Rằm tháng Giêng mà năm nào người cũng đông như đi trảy hội. Tôi đồ rằng, trong số đông người đi trảy hội thơ Xuân dịp này thì có quá nửa là người làm thơ. Có lẽ chưa bao giờ người làm thơ ở nước ta đông vui đến thế. Chưa bao giờ mùa “gặt thơ” của chúng ta lại bội thu đến vậy.
Theo tôi, thơ đương đại đang tồn tại 2 dòng chảy chính. Có thể tạm gọi dòng chảy thứ nhất là dòng thơ không chuyên nghiệp với sự có mặt đông đảo của những người yêu thơ, những người làm thơ bình dân đang sinh hoạt ở rất nhiều câu lạc bộ thơ ở nhiều thôn, xóm, phường, xã, quận, huyện… tại các địa phương trên cả nước. Về dòng chảy này, tôi chợt nhớ tới một câu thơ của cố nhà thơ Lê Văn Ngăn: “Chúng tôi vô danh nhưng chúng tôi nhiều hơn những người nổi tiếng”. Có thể nói chưa có thời kỳ văn học nào của đất nước ta lại có một nền thơ bình dân rộng rãi và sôi động như hiện nay. Sự bùng nổ ấy chính là nhờ công nghệ in ấn và xuất bản rất phát triển hiện nay, ai cũng có thể bỏ tiền túi để công bố những sáng tác thơ của mình (rẻ nhất cũng là bằng cách đánh máy vi tính và photocopy).
Tôi nghĩ đây cũng là chuyện bình thường, là sự phát triển tất yếu của một xã hội ngày càng cởi mở, nhất là khi dân tộc chúng ta là một dân tộc yêu thơ và ở nhiều giai đoạn đã coi việc làm thơ như một hành động yêu nước như ông chủ báo Nam Phong ngày xưa đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Đấy tạm gọi là dòng chảy thứ nhất.
Dòng chảy thứ hai là dòng thơ chuyên nghiệp với sự hiện diện của những người viết chuyên nghiệp, những nhà thơ đã thành danh. Đây là dòng thơ chủ lưu làm nên diện mạo của thơ ca Việt Nam đương đại với những tinh hoa và tài năng thơ thật sự. Nhưng có một thực tế nghiệt ngã, những người nổi tiếng như họ, những năm qua lại đang “chìm nghỉm” trong một biển người làm thơ vô danh hiện nay. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này khi các nhà thơ chuyên nghiệp phải từ 4-5 năm (có người cả chục năm) mới xuất bản được một cuốn thơ, mỗi cuốn in khoảng chừng 500 bản, lại để biếu nhau là chính vì thơ bán được rất ít hoặc không bán được.
Vậy thì lớp độc giả nào sẽ đọc thơ của chúng ta với 500 bản in như vậy nếu không phải chỉ có chính những người làm thơ đọc của nhau? Và lời giải đáp cho vấn đề “Làm thế nào để tăng cường mối liên hệ giữa bạn đọc và tác giả thơ” thì theo tôi phải chăng, chính là việc hội Nhà văn Việt Nam phải tìm cách nào đó để cái biển người yêu thơ, làm thơ vô danh kia trở thành độc giả của thơ chúng ta, hay nói cách khác dòng thơ chuyên nghiệp phải làm thế nào đó để tìm tòi, đổi mới và nâng cao chất lượng thơ lên để có thể hướng đạo, để nối cầu với dòng thơ không chuyên nghiệp. Nhưng có một thực tế khắc nghiệt khác là nếu thơ chúng ta không hay (thứ thơ chuyên nghiệp mà cứ làng nhàng như hiện nay) thì cái biển người làm thơ vô danh kia cũng sẽ quay lưng, không thèm đọc chúng ta đâu. Lúc ấy, họ quay ra đọc thơ của nhau và nền thơ bình dân có nguy cơ trở thành dòng chủ lưu chính của nền văn học đương đại (?).
Bởi thế, có ý kiến hăng hái đề nghị đổi tên nước ta thành "Việt thi quốc" (Vương quốc thi ca của người Việt) thì cũng không có gì lạ. Nếu có lạ, theo tôi, chắc sẽ có người thắc mắc: "Tại sao thơ hay được thả lên trời, còn văn hay ở lại chịu lời khen chê?!". Có sự không công bằng trong chuyện này chăng? Tại sao có Ngày Thơ Việt Nam mà không có ngày văn Việt Nam? Nghĩ vậy mà không phải vậy, bởi thơ chính là văn học, và cũng bởi người làm thơ ở nước ta có lẽ đông gấp trăm lần người viết văn xuôi mà số đông bao giờ cũng là thế mạnh.
Mặt khác, trình diễn thơ thì các tác giả còn đọc được, còn hát được chứ đem văn xuôi ra đọc trước đám đông độc giả rồi thả văn hay lên trời thì chắc chắn xưa nay không có. Vì vậy, nhiều năm qua cũng không thấy nhà văn nào đòi đem truyện, hay tiểu thuyết của mình ra đọc trước đám đông độc giả. Muốn làm chuyện ấy, có nhiều nhà văn xuôi đã chuyển sang viết kịch hoặc chuyển thể truyện của mình thành kịch bản phim với số tiền nhuận bút khá cao mà các nhà thơ không thể so bì được, và các loại hình nghệ thuật ấy có lẽ còn thu hút lượng khán giả đông gấp nhiều lần độc giả thơ.
Phải chăng vì thế, qua 16 năm diễn ra lễ hội Ngày Thơ Việt Nam Rằm tháng Giêng, không có nhà văn xuôi nào thắc mắc chuyện này. Thêm nữa, thơ bây giờ in ra phần lớn không bán được, chủ yếu là để biếu nhau, còn văn xuôi cũng nhúc nhắc bán được nên văn xuôi hình như có giá hơn thơ là vậy. Và điều dễ thấy, trong Ngày Thơ Việt Nam, khá nhiều người viết văn xuôi cũng ra các sân thơ để gặp gỡ các bạn văn, vì có thể, trong đời văn của mình, cũng có người đã từng âm thầm làm thơ khá nhiều nhưng lại thành danh ở mảng văn xuôi.
Thậm chí, có nhà văn nổi tiếng như ông Đỗ Chu thời gian gần đây lại cặm cụi chuyển sang làm thơ ở độ tuổi xưa nay hiếm, và rất thích thú khi được bạn văn gọi là "nhà thơ trẻ". Vì thế, câu chuyện "Tại sao thơ hay được thả lên trời còn văn hay không được thả?" cũng chẳng làm ai băn khoăn, thắc mắc gì nhiều. Có lần chuyện phiếm với tôi, nhà văn Đỗ Chu nheo mắt cười vui: "Thi ca oách lắm đấy, chú hiểu không, mặc dù nó nhiều khi chẳng bán được xu rỉ nào nhưng nó vẫn là chiếc vương miện đội trên đầu nữ hoàng văn chương. Chính vì nó sang trọng hơn văn xuôi nên anh bây giờ phải tập làm thơ. Nó sang trọng ghê gớm lắm, không đùa được đâu, cứ xem Ban chấp hành hội Nhà văn khoá 2015-2020 có 6 ông thì tới 4 ông là nhà thơ. Mà như anh hiện nay có cố gắng làm thơ đến cuối đời cũng chẳng mong có được câu thơ hay nào thả lên giời như các chú đâu, thi ca oách lắm đấy nhé!".
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến