Ngày 8/2, hội Nhà văn Việt Nam đã họp báo về việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Ngày Thơ sẽ tổ chức vào Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức thứ Bảy, ngày 11/2/2017). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam cho biết Ngày Thơ 2017 có chủ đề “Đồng hành và Sáng tạo cùng đất nước” với tinh thần hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập hội Nhà văn Việt Nam (1957 – 2017).
Theo ban tổ chức, Ngày Thơ năm nay sẽ có một số điểm mới như: Tập trung các hoạt động của hội Nhà văn vào hướng kỷ niệm 60 năm nên sân thơ trẻ sẽ không được tổ chức riêng biệt, mà sẽ được đồng tổ chức tại sân Văn Miếu và Thái Học với ý tưởng, các nhà thơ nhiều thế hệ cùng hiện diện trên một sân thơ. Đó là thế hệ thơ chống Mỹ là Bằng Việt, Anh Ngọc, Trần Ninh Hồ, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trọng Tạo… và thế hệ thơ đổi mới là Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý, Nguyễn Hữu Quý, Hữu Việt, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Bùi Tuyết Mai...
Tại sân thơ chính Văn Miếu sẽ diễn ra các cuộc giao lưu với các nhóm tác giả tiêu biểu ở mỗi thế hệ nhà thơ thành danh, đặc biệt là 4 tác giả đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 nhà thơ Chu Lai, Lê Minh Khuê, Y Phương, Nguyễn Việt Chiến. Bốn tác giả này sẽ giao lưu với khán giả về văn học đề tài chiến tranh và hậu chiến.
Tuy không có sân thơ trẻ riêng biệt những các nhà thơ trẻ sẽ được mời đọc thơ ở cả 2 sân thơ Văn Miếu và Thái học. Tại sân thơ nhà Thái Học sẽ có các nhà thơ vừa đoạt giải cao nhất của cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội như: Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Thị Thùy Linh… và các nhà thơ trẻ Lữ Thị Mai, Nguyễn Minh Cường, Đào Quốc Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Lê Ninh…sẽ giao lưu, đọc thơ cùng với các tác giả thơ của các trường đại học và các CLB thơ của Hà Nội. Tại sân thơ Thái Học có các tiết mục đọc thơ với phần đệm đàn của nghệ sĩ guitar, biểu diễn văn nghệ.
Tổng đạo diễn sân Văn Miếu là nhà thơ Trần Đăng Khoa, kịch bản là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, còn Sân Thái Học tổng đạo diễn là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, kịch bản là nhà thơ Hữu Việt. Nối tiếp giữa các sân thơ là Con đường thi nhân tôn vinh tác giả, tác phẩm thi ca nổi bật của nước nhà. “Con đường thi nhân” được trang trí, tạo điểm nhấn độc đáo với sự đầu tư, nâng cấp hơn những năm trước.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Con đường thi nhân xuất phát từ ý tưởng nhìn lại 60 năm của hội Nhà văn Việt Nam từ khi chính thức được thành lập năm 1957. Trên Con đường thi nhân sẽ có sự xuất hiện của hàng trăm nhà thơ của các thế hệ bên cạnh những câu thơ hay nhất của chính tác giả. Người xem sẽ được đi dưới một bầu trời của những câu thơ hay về con người, đất nước, khát vọng, niềm hi vọng…”
Ngày Thơ năm nay hướng tới kỉ niệm 60 năm thành lập hội Nhà văn Việt Nam, 15 năm Ngày Thơ Việt Nam nên tinh thần chung sẽ hướng đến chủ đề mang tính lịch sử của Hội, sự đồng hành của thơ ca trong các vấn đề trọng đại của đề đất nước. Bởi thế, Ngày Thơ sẽ không còn sự phân biệt “thơ già”, “thơ trẻ” mà tất cả đại diện các thế hệ cùng hòa mình vào hai sân thơ.
Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm 60 năm hội Nhà văn Việt Nam trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thành tựu của Hội trong 60 năm hình thành, phát triển. Trong không gian này, dự kiến sẽ trưng bày nhiều hình ảnh quý...
Ở chương trình giao lưu thơ mọi miền, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giới thiệu nghệ thuật làm gốm, các sản phẩm gốm Hương Canh, tỉnh Hòa Bình quảng bá nét đặc sắc của văn hóa Mo Mường cùng với dàn cồng chiêng của người Mường. Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh còn tổ chức cho tất cả các văn nghệ sỹ về Hà Nội tham dự, hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam.
Tại các địa phương, Ngày Thơ Việt Nam diễn ra ở các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục. Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, Ngày Thơ sẽ được tổ chức trang trọng tại An toàn khu Định Hóa - nơi 70 năm trước đây Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên tiêu.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm: “Những ngày qua, nhiều nhà thơ trên thế giới đã liên hệ với tôi hỏi về việc Hội có tổ chức Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương như trước hay không thì chúng tôi trả lời rằng, sự kiện ấy sẽ được tổ chức vào năm 2018 đồng thời đổi thành “Liên hoan Thơ quốc tế” nhằm mở rộng hơn về đối tượng.”
Tại Ngày Thơ còn có Triển lãm ảnh của bảo tàng Văn học Việt Nam, Triển lãm “Thơ gốm” của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà trưng bày của các CLB thơ. “Con đường thi nhân” được tổ chức lần đầu tiên trong Ngày Thơ, tại đây những câu thơ hay nhất của các thi nhân Việt Nam sẽ đến với bạn đọc bằng nhiều hình thức mới.. Trong Không gian thơ thiếu nhi, dù các em không xuất hiện trên sân khấu như mọi năm, nhưng các tác phẩm do thiếu nhi sáng tác vẫn sẽ được trưng bày.…
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 sẽ kết thúc với Lễ thả 50 câu thơ hay về chủ đề người mẹ, người lính, chiến tranh, hòa bình, tình yêu và hạnh phúc. Trải qua 14 năm tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam vào rằm tháng giêng đã trở thành một lễ hội văn hóa mới, được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước và được đông đảo công chúng yêu mến và mong đợi.
Nguyễn Việt Chiến